5 tư thế yoga giúp giảm táo bón

Một số tư thế yoga như tư thế cây cung, ngồi gập người về phía trước… giúp kéo căng bụng, “vắt” ruột và tống những thứ mắc kẹt ra ngoài.

Những giải pháp thường được nhắc đến để khắc phục tình trạng táo bón bao gồm ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế các đồ ăn chiên rán nhiều giàu mỡ… Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, một số tư thế yoga cũng hữu ích cho bệnh táo bón. Hoạt động cơ thể khi tập yoga, như các động tác duỗi, tạo khoảng trống trong bụng; động tác vặn người, giúp kéo căng bụng và “vắt” ruột, thúc đẩy những thứ mắc kẹt trong ruột di chuyển ra ngoài trong vòng vài giờ hoặc một hai ngày sau đó.

Dưới đây là 5 tư thế yoga được khuyến khích cho người mắc táo bón.

Tư thế cây cung (Dhanurasana): Tư thế này giúp tạo ra không gian ở bụng, chuyển áp lực của trọng lượng cơ thể lên hông và bụng dưới, kích thích tiêu hóa và bài tiết.

Đầu tiên, bạn nằm sấp với 2 chân duỗi thẳng hoàn toàn, 2 cánh tay ở 2 bên, lòng bàn tay hướng lên trần nhà, mu bàn chân và trán đặt trên sàn. Bạn giữ 2 đầu gối rộng bằng hông, vùng trán tựa trên sàn, uốn cong cả 2 đầu gối để gót chân chạm vào mông. Đồng thời đưa 2 tay ra sau cơ thể và nắm lấy mắt cá chân. Tiếp đến, bạn từ từ vận động cơ tứ đầu và cơ đùi trong, nhấc 2 chân lên hướng trần nhà đồng thời nâng ngực, thân trên và vai lên khỏi sàn. Giữ xương chậu và xương cụt của bạn tiếp đất trên sàn, tiếp tục nâng chân và ngực lên khỏi sàn càng cao càng tốt. Nhẹ nhàng nhìn về phía trước, giữ tư thế trong 5-10 nhịp thở.





Tư thế cây cung. Ảnh: Freepik

Tư thế cây cung. Ảnh: Freepik

Tư thế ngồi gập người về phía trước (Paschimottanasana): Tư thế này không chỉ kích thích nhu động ruột mà còn kéo giãn vai, cánh tay, gân kheo, bắp chân và mắt cá chân.

Đầu tiên, bạn ngồi trên sàn với 2 chân duỗi thẳng về phía trước, các ngón chân hướng lên trần nhà, 2 tay đặt trên đùi. Tiếp đến đưa 2 tay lên hướng về phía trần nhà, sau đó xoay người ở hông để hạ thân mình xuống đùi và cánh tay xuống mắt cá chân, giữ cho cột sống thẳng để tránh vòng lưng trên. Tiếp theo, bạn đặt bàn tay trên ngón chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân. Giữ cho cổ mềm mại và thẳng hàng với đầu. Người tập giữ trong 5 đến 10 nhịp thở.





Tư thế ngồi gập người về phía trước. Ảnh: Freepik

Tư thế ngồi gập người về phía trước. Ảnh: Freepik

Tư thế đứa trẻ (Balasana): Tư thế đứa trẻ tốt cho chứng táo bón vì giúp kéo căng hông và các cơ ở phía sau cơ thể.

Bạn nằm sấp, đặt cố định 2 bài chân lên sàn rồi, đầu gối đến mông vuông góc với thảm, lưng song song với thảm và chống 2 tay xuống dưới. Chuyển hông ra sau và hạ mông xuống gót chân đồng thời duỗi thẳng cánh tay trên sàn phía trên vai, lòng bàn tay hướng xuống sàn. Để ngực của bạn nằm giữa hai đùi và để trán chạm sàn, giữ tư thế trong 5-10 nhịp thở.





Tư thế đứa trẻ. Ảnh: Freepik

Tư thế đứa trẻ. Ảnh: Freepik

Tư thế cái ghế (Utkatasana): Tư thế này trông khá giống với cách bạn ngồi trong nhà vệ sinh và có tác dụng giúp giảm táo bón.

Bạn đứng thẳng, 2 bàn chân sát nhau, 2 cánh tay ở 2 bên, lòng bàn tay hướng vào cơ thể. Bạn quét cả 2 cánh tay ra sau cơ thể, sau đó nhanh chóng đưa 2 cánh tay về phía trước và hướng lên trần nhà, bắp tay thẳng hàng với tai và lòng bàn tay hướng vào nhau. Đồng thời, bạn kéo vai xuống, giữ cho ngực mở, cong đầu gối và ngồi giữ hông, mông ở trạng thái lơ lửng. Người tập chuyển trọng lượng cơ thể vào gót chân và nhấc các ngón chân lên khỏi sàn. Tư thế cái ghế cũng được khuyến khích giữ trong 5-10 nhịp thở.





Tư thế cái ghế. Ảnh: Freepik

Tư thế cái ghế. Ảnh: Freepik

Xoắn cột sống nằm ngửa (Jathara Parivartanasana): Động tác này góp phần tăng cường tiêu hóa, giúp chữa táo bón.

Bạn nằm trên sàn với đầu gối cong, 2 bàn chân rộng bằng hông và đặt phẳng trên sàn cách mông vài cm, 2 cánh tay đặt dọc 2 bên, lòng bàn tay hướng xuống sàn, kéo cả 2 đầu gối lên sát ngực với 2 chân và bàn chân ép vào nhau, sau đó mở rộng 2 cánh tay sang 2 bên để tạo thành hình chữ “T”. Bạn giữ vai ấn vào tấm thảm, lòng bàn tay hướng lên trần nhà. Tiếp theo, người tập cho cả 2 đầu gối từ từ ngã sang bên phải trong khi quay đầu sang bên trái. Khi thở ra, bạn tập trung vào việc đi sâu vào động tác vặn người và giữ trong 5 đến 10 nhịp thở, sau đó đổi bên và lặp lại.

Anh Chi (Theo Livestrong)

Nguồn

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.