Áp lực trường chuyên khiến nữ sinh rối loạn lo âu

Hà NộiBệnh nhi 15 tuổi, nhập viện do căng thẳng, hoảng sợ khi học trường chuyên, các bạn trong lớp đều là học sinh giỏi.

Ngày 20/9, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện khi gầy sút cân, chán nản, lo âu, mất ngủ kéo dài, kém tập trung.

Em vốn là học sinh giỏi, ngoan ngoãn, song khi vào học trường chuyên của tỉnh, do chương trình học khó, nhiều bạn giỏi cạnh tranh lẫn nhau, nữ sinh phải nỗ lực rất nhiều. Ngoài việc học ở trường, khi về đến nhà bệnh nhi làm bài tập đến nửa đêm, bỏ ăn uống.

Gia đình cho biết em ngày càng lo lắng, căng thẳng, thiếu ngủ, suy kiệt. Gần đây, do thể trạng bệnh nhi ngày càng gầy yếu, bố mẹ đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám, được chẩn đoán rối loạn lo âu liên quan áp lực học tập. Trẻ được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý.

Năm 2022, Khoa Sức khỏe Vị thành niên nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở ở Hà Nội. Kết quả, 38% trẻ biểu hiện lo âu, 33% bị stress, 26% trầm cảm. Tiến sĩ Vinh cho biết nhiều trường hợp mắc trầm cảm và rối loạn lo âu là các em học sinh ngoan, học giỏi. Những trẻ này thường tự tạo áp lực với bản thân, nỗ lực không ngừng để “giữ hình ảnh” với bạn bè, gia đình, thầy cô. Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, trầm cảm, nhất là khi không đạt được kỳ vọng mong muốn hoặc mục tiêu vượt quá khả năng bản thân.

Ngoài ra, áp lực học tập cũng có thể do nhà trường hoặc gia đình đặt nặng thành tích cho trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn lo âu bao gồm lo lắng, giảm hứng thú học tập, cô lập bản thân và không muốn giao tiếp với bạn bè, mọi người. Dần dần, trẻ đánh mất niềm vui trong học tập, sợ đi học. Các biểu hiện khác là mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung, ăn uống kém. Vấn đề này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm hoặc các bệnh lý về thể chất như suy nhược cơ thể, sụt cân.

Bác sĩ Vinh cho rằng cha mẹ không nên đặt kỳ vọng quá nhiều, vô tình tạo áp lực lớn cho con. Phụ huynh nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của trẻ để đặt mục tiêu, chọn trường, lớp phù hợp. Cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con để tư vấn cũng như định hướng đúng đắn, giúp trẻ giải tỏa áp lực về học tập, thi cử. Ngoài học tập, luôn đảm bảo cho trẻ được có các hoạt động cân bằng, thư giãn như tham gia vui chơi giải trí, thể thao, dã ngoại.

Thúy Quỳnh


Nguồn

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.