Chạy đua cứu sống bệnh nhân Singapore sùi bọt mép

TP HCMMáy bay từ Hàn Quốc về Singapore hạ cánh khẩn xuống TP HCM, đưa bệnh nhân Singapore sùi bọt mép vào viện, được cấp cứu kịp thời trong 60 giây.

Ông Toh Gae (48 tuổi, quốc tịch Singapore) thoát chết trong gang tấc khi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. TS.BS Trần Minh Giang, Phó khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), hôm nay (23/11) cho biết: “Nếu máy bay không hạ cánh khẩn xuống Việt Nam hoặc xe cứu thương chạy vụt qua khỏi bệnh viện chừng 300 m, bệnh nhân chắc chắn tử vong”.

Trước đó, lúc 0h15 phút khuya 20/11, chuông báo động vang lên giữa bệnh viện khi xe cứu thương từ sân bay Tân Sơn Nhất thắng gấp trước cửa khoa Cấp cứu của bệnh viện. Trên băng ca, ông Gae… đang sùi bọt mép, suy hô hấp, ho đàm bọt hồng và nhiều vết bầm.

Êkip y bác sĩ đo huyết áp, dấu hiệu điện tâm đồ gần như thành một đường thẳng, nhịp tim chỉ 30-40 lần một phút. Người bệnh nguy kịch khi không tạo được nhịp tim. BS.CKI Trịnh Hoàng Nguyên, khoa Cấp cứu nỗ lực sốc điện và nhịp tim trở lại bình thường 60 lần một phút. Bệnh nhân thoát chết trong 60 giây.

Tuy nhiên, nhận thấy điện tâm đồ vẫn còn giãn, tay người bệnh nổi u cục, có nhiều cầu nối lọc máu để chạy thận, bác sĩ Giang nhận định bệnh nhân suy thận mạn tính dẫn đến tăng kali máu. Nếu không điều trị nguyên nhân tăng kali máu, bệnh nhân sẽ tiếp tục ngưng tim trở lại.





Bác sĩ Giang theo dõi nhịp tim của bệnh nhân Singapore. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Giang theo dõi nhịp tim của bệnh nhân Singapore. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đúng như nhận định của các bác sĩ, kết quả xét nghiệm máu ghi nhận chỉ số kali trong máu tăng đến 8,4 mEq/l (trong khi chỉ cần từ 5,5-6 mEq/l đã có nguy cơ ngưng tim). Xét nghiệm đánh giá mức độ hình thành các cục máu đông cao gấp 10 lần bình thường, nguy cơ tắc mạch máu dẫn đến tử vong rất nhanh.

Bác sĩ Giang chỉ định tiêm canxi, bicarbonate để chống tăng kali, chống toan máu (tồn dư axit trong máu). Người bệnh được tiêm các thuốc để kích hoạt lọc máu, điều trị nguyên nhân gốc rễ tăng kali máu. Theo bác sĩ Giang, thông thường bệnh nhân được tiêm 1-2 ống canxi để điều trị tăng kali. Tuy nhiên, ông Gae không có dấu hiệu diễn tiến khả quan. Trước tình huống không có người nhà bên cạnh, vì tính mạng người bệnh cùng bản lĩnh nhiều năm hồi sức cấp cứu, bác sĩ Giang quyết định tiếp tục tiêm canxi.

Đến ống canxi thứ 10, nhịp tim được cải thiện, đập ổn định 60 lần một phút. Người bệnh được chuyển đến khoa ICU để chạy thận, lọc máu. Sau khi chạy thận, huyết áp và nhịp tim ổn định, ông Gae đủ sức khỏe bay về Singapore.

Tỉnh dậy sau nguy kịch, ngỡ ngàng, ông Gae tự véo mình thật đau vì không tin đã vượt khỏi “cửa tử”. Ông cảm ơn êkip điều dưỡng, bác sĩ khoa Cấp cứu và ICU đã nỗ lực cứu sống mình. Ông cho biết bị tiểu đường, suy thận mạn tính, lọc máu 4 năm nay, mỗi tuần 3 lần. Lần lọc máu cuối cùng cách đây 10 ngày do ông bay sang Hàn Quốc du lịch. Khi đang trên chuyến bay trở về Singapore, ông mệt mỏi, khó thở, ho dữ dội có đờm, té ngã nên bầm tím người.





Bệnh nhân Singapore làm thủ tục xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân Singapore làm thủ tục xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chia sẻ về sự quyết đoán khi tiêm canxi cứu bệnh nhân, bác sĩ Giang cho biết 20 năm trước, ông từng điều trị cho nữ bệnh nhân (70 tuổi, gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP HCM) bị khó thở, tăng kali máu đến 8,6 mEq/l, gần như mất nhịp tim. Tại thời điểm đó, ông cũng quyết định kết hợp sốc điện và tiêm canxi đến khi nhịp tim ổn định trở lại. Ca thành công này được báo cáo tại nhiều hội nghị khoa học. “Quá trình cứu chữa người bệnh cần kiến thức chuyên môn sâu rộng và bản lĩnh của người bác sĩ”, bác sĩ Giang nói thêm.

Người bệnh suy thận được lọc máu định kỳ không nên đi xa. Nếu có việc quan trọng bắt buộc di chuyển thì chỉ nên đi trong 3-5 ngày, người bệnh cần mang theo máy lọc máu cá nhân, có thể lọc liên tục 24 giờ để an toàn tính mạng.

Nguyễn Trăm

Nguồn

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.