Bài viết của tác giả Lý Hải trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Cô gái nghèo được gả vào nhà giàu
Tôi có người chị họ hơn mình 3 tuổi, tên Lý Nga. Vì tuổi sêm sêm, 2 gia đình lại sống gần nhau nên từ nhỏ chúng tôi rất thân thiết. Bác trai tôi mất sớm vì bệnh tật nên người trong gia đình và cả người làng vun vén, góp tiền góp của để giúp bác gái nuôi chị học đại học trên thành phố. Sau đó chị Nga kết hôn với một doanh nhân giàu có, chủ một nhà máy trên thị trấn trong ánh mắt ngưỡng mộ của cả làng.
Tôi vẫn còn nhớ ngày cưới của chị rất hoành tráng, cả trăm bàn tiệc và hàng đoàn xe nối đuôi nhau đón dâu. Người ở vùng nông thôn từ nhỏ như chúng tôi, đây là lần đầu tiên chứng kiến khung cảnh này. Đám cưới chị Nga to nhất làng, chị đến từng bàn cảm ơn gia đình chúng tôi đã giúp đỡ để chị có được ngày hôm nay. Chị hứa sẽ trả ân huệ năm xưa bằng cách xin cho dân làng vào nhà máy làm việc để có thu nhập ổn định hơn.
Kết hôn xong, chị Nga cùng chồng quản lý nhà máy, mua thêm một căn nhà mới và còn mở cả một nhà hàng, đi ô tô sang trọng. Người làng khen cô gái nghèo năm nào đã “hoá phượng” và được gả vào một gia đình tốt. Mấy năm đầu sau khi lấy chồng, chị còn thường xuyên về quê thăm mẹ, thế nhưng tần suất cũng ngày càng thưa thớt.
Chú tôi muốn xin cho con trai, là em họ chúng tôi vào nhà máy của chị Nga làm, chị gật đầu đồng ý. Nếu gặp ở nhà máy, chị coi như không quen biết em họ tôi. Em họ nghĩ chị Nga muốn giữ sự chuyên nghiệp trong môi trường làm việc nên không để tâm. Thế nhưng khi tình cờ em họ tôi nghe thấy chị Nga nói “nể” gia đình nghèo mới nhận vào làm, chê hiệu suất không bằng công nhân khác, em mới kể cho mọi người nghe.
Không ai tin cô gái hiền lành, chịu khó đã hành xử như vậy, còn trách do em tôi nghe nhầm. Sau đó nhiều người làng cũng xin vào nhà máy và nhận ra bị chị họ tôi gây khó dễ, hay phạt tiền, sai vặt đến mức phải nghỉ việc. Khi ấy cả làng mới ngỡ ngàng.
Cách chị nói chuyện cũng có phần kiêu ngạo, xa cách hơn trước, người làng gặp chị Nga trên thị trấn chị cũng không chào hỏi. Có lần một người họ hàng hỏi vay tiền chị Nga để làm ăn, hẹn ngày trả đàng hoàng, chị hỏi ngược lại luôn: “Nhà anh như thế anh có chắc là có đủ tiền trả lại em không?”.
Lễ mừng thọ không ai đến
Từ lần đó, họ hàng hay người làng thấy rõ sự thay đổi khi giàu có của chị, không còn muốn nhờ vả hay liên lạc. Mỗi khi bác gái tôi gọi điện để kêu chị về thăm nhà, chị Nga thường lấy lý do bận công việc, gia đình chồng không cho về nhà mẹ đẻ quá nhiều. Có con gái giàu có nhưng bác gái vẫn chẳng hạnh phúc, nhìn sang gia đình người khác vui vẻ sum họp mà rơi nước mắt.
Thế nhưng dịp sinh nhật mừng thọ mẹ vừa rồi, chị Nga đột nhiên ngỏ ý muốn tổ chức lễ mừng thọ hoành tráng, dự kiến làm 80 mâm cỗ mời cả làng. Ban đầu tôi cũng mừng vì cuối cùng chị cũng quan tâm người mẹ già. Nhưng hoá ra chị Nga làm vậy để làm hình ảnh cho vợ chồng chị, có thể lên báo địa phương hoặc gây chú ý trên mạng xã hội, tốt cho hoạt động kinh doanh và có thêm quà từ người làng.
Tôi ngán ngẩm nhưng chẳng biết khuyên bảo ra sao, thôi thì cho bác gái một dịp để “nở mày nở mặt”. Thế nhưng điều gia đình tôi không ngờ đến là chỉ lác đác vài người họ hàng, bạn thân của bác gái đến, dân làng không có một ai. Cảnh tượng trái ngược hoàn toàn với đám cưới đông đúc của chị năm nào.
Bác gái buồn rầu, nhìn chị Nga đứng lặng người vì bẽ bàng, buông lời chì trích người làng. Bác nói chẳng thể trách móc được vì những gì con gái làm đã khiến mọi người mất niềm tin và thiện cảm. “Thay vì trách móc họ không đến thì mẹ sẽ cảm ơn họ vì đã giúp con ‘sáng mắt’ ra để nhìn lại bản thân và cách hành xử của chính mình. Không phải cứ có của cải hơn người là được quên gốc gác, ân nhân của mình như vậy đâu”, bác gái tôi nói.
Sau lễ mừng thọ đáng quên đó đến nay, tôi chưa thấy chị Nga trở về làng thêm lần nào nhưng bác gái nhận được nhiều cuộc gọi từ chị hơn, họ hàng thỉnh thoảng cũng có quà từ thành phố. Không biết chị đã thay đổi suy nghĩ hay chưa nhưng tôi chỉ mong được thấy lại chị Nga hiền lành, chất phác ngày trước.
Theo Toutiao