Trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển đang phải đối mặt với việc giảm tỷ lệ sinh, một trường hợp đặc biệt tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh luận về vấn đề sinh sản và quyền tự quyết của phụ nữ.
Bà Quách Mẫn (hiện tại 70 tuổi) quyết tâm sinh một cặp song sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm khi ở tuổi 56, bất chấp những rủi ro về sức khỏe. Bà đi đến quyết định này do con gái riêng đã qua đời trong một tai nạn, trong khi con trai riêng của chồng bà không có ý định kết hôn và sinh con. Điều này khiến bà lo lắng về việc nối dõi tông đường cho nhà chồng.
Bà Quách Mẫn sinh ra ở Giang Tây, nơi có quan niệm rất nặng nề về chuyện sinh con. Có lẽ điều này ảnh hưởng nhất định đến những lựa chọn của bà. Lần sinh nở đầu tiên, bà sinh một con gái. Sau đó, vì một số lý do, bà ly hôn rồi lấy người chồng thứ hai tên là Nhâm Đại Hoa. Ông Nhâm cũng có một con trai riêng trước khi đến với bà Quách Mẫn.
Ngay khi Quách Mẫn tưởng rằng cuộc sống đã ổn định thì một tai nạn bất ngờ xảy ra, làm thay đổi quỹ đạo vận mệnh của bà. Con gái riêng của bà qua đời vì một tai nạn khi mới 24 tuổi. Nỗi đau này khiến Quách Mẫn suy sụp rất nhiều, dù bà biết cuộc sống luôn phải hướng về phía trước.
Con trai riêng của ông Nhâm Đại Hoa được bà Quách Mẫn nuôi nấng nhiều năm, coi như con ruột, chăm sóc chu đáo, hết lòng. Có thể nói, sau cái chết của con gái, đứa con riêng của chồng đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà. Hai vợ chồng cùng nhau gánh vác trách nhiệm nuôi dạy cậu.
Khi con trai lớn lên, chủ đề cưới hỏi xuất hiện trong các cuộc trò chuyện gia đình. Quách Mẫn cẩn thận hỏi thăm mẫu phụ nữ mà con trai thích và muốn tìm một người phù hợp làm nàng dâu. Tuy nhiên, cậu con trai nay đã hơn 36 tuổi lại không muốn kết hôn hay có em bé. Sau nhiều lần thuyết phục con trai mà không có kết quả, bà Quách Mẫn đi đến một quyết định táo bạo, đó là chính bà sẽ sinh nở để giúp nối dõi tông đường cho nhà chồng.
Nói thì dễ hơn làm, vì ngoài tuổi tác, bà còn gặp trở ngại về kinh tế. Hai ông bà đã chuyển nhượng căn nhà cho con trai và phải dựa vào thu nhập từ công việc cá nhân để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, bà Quách đã bất chấp sự can ngăn của cả chồng và các bác sỹ, kiên trì theo đuổi mục tiêu sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Quá trình mang thai của bà Quách Mẫn gặp nhiều trở ngại. Lần thụ tinh đầu tiên, bà bị sẩy thai do chức năng cơ thể suy giảm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tài chính từ mẹ đẻ, bà tiếp tục làm lại và cuối cùng đã thành công mang thai một cặp song sinh, một trai một gái. Vì lúc này bà đã 56 tuổi nên bệnh viện đề nghị chỉ giữ lại một thai để giảm thiểu rủi ro, nhưng bà Quách Mẫn kiên quyết sinh cả hai. Quyết định này gây tranh cãi trong gia đình, vì chồng bà không chỉ sợ hãi vấn đề sức khỏe mà còn lo ngại về chi phí nuôi dưỡng hai đứa trẻ.
Không lâu sau khi vợ sinh con, ông Nhâm Đại Hoa bị nhồi máu não do làm việc quá sức, khiến gánh nặng nuôi sống gia đình đổ lên vai bà Quách Mẫn. Dù vậy, người phụ nữ không hề hối hận về quyết định của mình. Bà cảm thấy trái tim trống rỗng được lấp đầy bởi tiếng gọi “mẹ” từ các con.
Hiện tại, bà Quách Mẫn đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nuôi dạy hai đứa trẻ một mình. Những ngày này, cư dân mạng tiếp tục đem chuyện của bà ra bàn luận về vấn đề ranh giới giữa quyền cá nhân và trách nhiệm xã hội trong sinh sản, về áp lực của xã hội, gia đình đối với phụ nữ Trung Quốc trong việc sinh con và nối dõi tông đường.
Nhiều cư dân mạng cũng đặt câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm trong việc sinh con khi tuổi đã cao. Các chuyên gia y tế luôn cảnh báo về những rủi ro sức khỏe đối với cả mẹ và con, cũng như khả năng chăm sóc lâu dài cho trẻ trong tương lai.
Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, hành động của bà Quách Mẫn có thể được xem như một nỗ lực để vượt qua nỗi đau mất con và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Có lẽ trong lòng bà, nỗi đau mất con gái không bao giờ nguôi ngoai, nên bà chỉ có thể dựa vào những đứa con mới để bù đắp cho sự tiếc nuối này.