
Nhập viện trong tình trạng chảy máu âm đạo, phù toàn thân, tiền sản giật nặng, sản phụ trẻ bị béo phì được cấp cứu kịp thời.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhanh chóng chỉ định mổ lấy thai cứu hai mẹ con chị Thủy. Sau 30 phút, bé trai nặng 2.644 gram chào đời, sinh hiệu tốt. Hiện sức khỏe mẹ, bé đều ổn định.
Tối 10/12, chị Thủy mang thai 35 tuần 2 ngày, nặng 90 kg nhập viện trong tình trạng chảy máu âm đạo, phù toàn thân. Bác sĩ chẩn đoán chị chuyển dạ đẻ lần 2, nhau tiền đạo chảy máu, mắc tiểu đường thai kỳ (chỉ số đường huyết cao nhất 14 mmol/l), chỉ số béo phì BMI = 36.6, có dấu hiệu tiền sản giật nặng. Chị Thủy được chỉ định tiếp tục điều trị nội tiết sau sinh để giảm nguy cơ tai biến.
Sinh con đầu lòng năm 2017 ở tuần 34, em bé cân nặng chỉ 2.100 gram, chị Thủy luôn nghĩ do mình chăm sóc thai chưa tốt nên mới sinh non, con bị nhẹ cân. Thấy con đầu thường xuyên đau ốm nên mang thai lần hai, người mẹ cố ăn uống, bồi bổ để cải thiện, không ngờ cân nặng lại vượt tiêu chuẩn. Những tháng cuối thai kỳ, chị có biểu hiện nhức đầu, giảm thị lực, cơ thể sưng phù nhiều nhưng chủ quan không đi khám, không biết đó là dấu hiệu của tiền sản giật.
PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, thai nhi được nuôi lớn từ nguồn dinh dưỡng mẹ hấp thu. Nếu mẹ tăng cân không đủ, em bé dễ nhẹ cân, thiếu máu. Tuy nhiên, mẹ tăng cân quá mức cũng dễ gặp nhiều bệnh lý thai kỳ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến em bé.
Khi mang thai, nội tiết tố nữ thay đổi, nồng độ insulin, androgen và leptin cùng tăng. Ở phụ nữ thừa cân, béo phì, các mô mỡ đóng vai trò là cơ quan nội tiết, chứa các yếu tố tiền viêm (adipokine,) có thể làm rối loạn chức năng của hệ thống biểu mô mạch máu ở người mẹ và nhau thai, khiến mẹ, bé đều có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non…

Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa đang thực hiện mổ lấy thai cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đồng quan điểm, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê – bác sĩ Cao cấp Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho hay, thừa cân khi mang thai làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, rối loạn huyết áp cao trong thai kỳ, tiền sản giật… Lúc này, mẹ bầu có thể phải đối mặt với nguy cơ sảy thai, sinh non; nhiễm khuẩn, chảy máu sau sinh, đông máu (huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc viêm tĩnh mạch, tắc mạch phổi)… Em bé sinh ra có thể bị dị tật bẩm sinh (tim, ống thần kinh); gặp chấn thương hoặc ngạt khí trong lúc sinh nếu thai quá to, mắc tiểu đường hoặc béo phì trong tương lai.
Đặc biệt, tiền sản giật nặng có thể ảnh hưởng đến tim, gan, thận, phổi của mẹ bầu. Tình trạng này kéo dài còn làm giảm lượng máu đến bánh nhau, khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, thiếu ối, thậm chí lưu thai. Trường hợp không kịp thời điều trị, bệnh có thể dẫn đến sản giật, khiến sản phụ bị co giật, mất ý thức, hôn mê, đe dọa tính mạng mẹ và bé. Trường hợp của chị Thủy là một trong những ca tiền sản giật nặng được cấp cứu kịp thời.
Cơ chế gây ra tình trạng tiền sản giật ở thai phụ thừa cân, béo phì vẫn chưa rõ ràng. Một số giả thuyết cho rằng béo phì khiến thai phụ tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kháng insulin, tăng mỡ máu, các yếu tố viêm, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai.
Theo các chuyên gia, mẹ bầu cần kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) trong lần khám thai đầu tiên ở ba tháng đầu để theo dõi cân nặng, có giải pháp đề phòng nguy cơ thừa cân trong thai kỳ. Nếu chỉ số BMI từ 23 trở lên, mẹ bầu có nguy cơ cao bị thừa cân, trường hợp BMI dưới 18.5 là thiếu cân, BMI trong ngưỡng từ 18.5 đến dưới 23 là bình thường.
Dựa trên mức cân nặng trước khi mang thai, mẹ bầu nên tăng cân theo mức sau: nếu cân nặng bình thường trước khi mang thai nên tăng 11,3-16 kg. Nếu mẹ bị thiếu cân, nên tăng 12,7-18,3 kg. Trường hợp mẹ thừa cân nên tăng 7-11,5 kg. Đặc biệt, nếu người mẹ béo phì (BMI từ 27,5 trở lên) chỉ nên tăng dưới 7 kg trong thời kỳ mang thai.
“Cơ thể người phụ nữ trong giai đoạn mang thai có những thay đổi liên tục, khó dự đoán, mẹ bầu không nên chủ quan. Chẳng hạn tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ, bé nhưng nhiều trường hợp thai phụ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tai biến xảy ra”, bác sĩ Hiền Lê cảnh báo.
Trong dịp Tết, lịch sinh hoạt thất thường, thực đơn ăn uống khác biệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Vì vậy các chuyên gia khuyên, mẹ bầu nên có kế hoạch theo dõi, chăm sóc sức khỏe thai kỳ; thăm khám thai thường xuyên, định kỳ để sớm đánh giá các rủi ro, phát hiện biến chứng. Khi có dấu hiệu bất thường như chóng mặt, đau nhức đầu, tăng huyết áp, phù nề, ra máu âm đạo… cần đi khám chuyên khoa Sản ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Lúc 20h ngày 27/12, Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Mẹ tròn con vuông – Theo dõi và chăm sóc thai kỳ dịp Tết”. Chương trình có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về Sản Phụ khoa của BVĐK Tâm Anh Hà Nội: PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh – Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa; ThS. BS Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ Cao cấp Trung tâm Sản Phụ khoa; BSNT Nguyễn Thị Hồng Nhung – Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa. Chương trình được phát trên fanpage VnExpress, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây. |
Trịnh Mai
Leave a Reply