Lưu ý: Mọi con số trong bài có tính chất tham khảo, có thể sai số chênh lệch vì mức deal giữa nhà rạp và nhà sản xuất mỗi bộ phim khác nhau.
Tính đến trưa 26/2, Mai của Trấn Thành thu 473 tỷ đồng, theo số liệu của Box Office.
Hiện, Trấn Thành là đạo diễn đầu tiên của Việt Nam có tổng doanh thu gần 1.400 tỷ đồng, với Bố già 427 tỷ đồng, Nhà bà Nữ 475 tỷ đồng và Mai 480 tỷ đồng.
Được gọi là “đạo diễn nghìn tỷ đồng”, Trấn Thành thực tế bỏ túi được bao nhiêu?
Trấn Thành chỉ thu khoảng 450 tỷ đồng trên tổng doanh thu 1.400 tỷ đồng
Theo nhà sản xuất phim Cao Tùng , người có kinh nghiệm sản xuất, phát hành phim cho Galaxy Cinema, tỷ lệ ăn chia giữa nhà rạp và nhà sản xuất phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nhờ Mai, Trấn Thành trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng đầu tiên của điện ảnh Việt.
“Hiện tại, nhà rạp cũng là nhà phát hành. Khi deal với nhà rạp, người làm phim gặp một số vấn đề như rạp có đông khách không. Hiện tại có thể nói CGV và Galaxy đang mạnh nhất, có quyền ép mức ăn chia tốt nhất cho nhà rạp, cụ thể là 55% cho tuần đầu, 50% cho tuần thứ hai và 45% cho tuần thứ ba”, ông Cao Tùng trả lời Tiền Phong.
Theo nhà sản xuất Cao Tùng, về ba bộ phim của Trấn Thành, do nam MC là cái tên uy tín mùa phim chiếu Tết, tỷ lệ ăn chia sẽ khá đồng đều, nhưng phải đảm bảo những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tổng doanh thu phải trừ 8% thuế VAT.
Thứ hai là phí phát hành, hiện được tính theo hai cách: 4-5% của tổng doanh thu hoặc 8-10% tổng doanh thu sau khi trừ phí thuê rạp.
Sau khi ra được con số, nhà rạp một nửa, nhà sản xuất lấy một nửa.
Sau đó, phía phát hành lấy từ 8-10% số tiền còn lại của Trấn Thành.
Theo cách tính đó, ta có:
1.375 tỷ đồng, sau khi trừ 8% thuế VAT, số tiền ba bộ phim là 1.265 tỷ đồng.
Số tiền 1.265 tỷ đồng tiếp tục trừ khoảng 4-5% phí phát hành chung, còn lại 1.214,4 tỷ đồng.
Sau hai khoản phí, nhà rạp lấy một nửa là 607,2 tỷ đồng.
Số tiền còn lại của Trấn Thành là 607,2 tỷ đồng, trừ tiếp cho 8% phí phát hành (tùy thuộc vào quá trình thương lượng giữa Trấn Thành và nhà phát hành, có thể thấp hơn). Số tiền nam đạo diễn bỏ túi sau khi ăn chia với nhà rạp là 558,6 tỷ đồng.
Sau Bố già và Nhà bà Nữ, Trấn Thành tiếp tục lập kỷ lục về doanh thu với Mai.
Đây chỉ là mức ăn chia với nhà rạp, chưa tính kinh phí thực hiện phim, công tác PR. Kinh phí phim công khai của Bố già, Nhà bà Nữ và Mai lần lượt là 20 tỷ đồng, 35 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, tổng cộng khoảng 105 tỷ đồng.
Trừ cho phần kinh phí, số tiền còn lại của Trấn Thành sau ba bộ phim ăn khách nhất mọi thời của phòng vé Việt vào khoảng 453,6 tỷ đồng.
Sau khi phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến số tiền cuối cùng về túi Trấn Thành, nhà sản xuất phim cho biết rạp chiếu lấy hơn 60% là hợp lý.
“Chúng ta nên quy ra bài toán kinh tế. Rạp đầu tư phòng chiếu bài bản rất tốn tiền, doanh thu mỗi ngày chỉ như tiền chợ, chủ yếu dựa vào chi phí phát hành. Vì vậy, tuần đầu phim ra rạp, họ lấy phí cao vốn rất bình thường. Và nếu chính phủ không hỗ trợ dòng nội dung nội địa, về mặt nguyên tắc, rạp phải vận hành theo kiểu thị trường để có thể tồn tại”, nhà sản xuất Cao Tùng nói thêm.
Chính xác thì phim kiếm tiền bằng cách nào?
Theo Investopedia, nhìn từ xa, ngành kinh doanh điện ảnh có thể khá hấp dẫn. Nhưng thực tế, bất kỳ bộ phim nào cũng là khoản đầu tư rủi ro.
Theo Báo cáo thống kê thị trường rạp chiếu của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) năm 2021, phòng vé Mỹ và Canada đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 105% so với năm 2020 do các rạp mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
“Bộ phim ra rạp kiếm tiền gần như không còn đơn giản nữa. Các hãng phim lớn cũng như nhà làm phim độc lập giờ đây dành phần lớn thời gian tìm nguồn doanh thu mới, vì doanh thu bán vé không còn là mục tiêu chính”, Investopedia phân tích.
Để biết phim kiếm tiền bằng cách nào, phải để ý đến ngân sách và chi phí. Ví dụ, The Avengers ước tính thu 220 triệu USD. Nhưng khi tính đến chi phí tiếp thị và quảng cáo, ngân sách tăng đột biến.
Với nhiều phim, chỉ riêng kinh phí in ấn và quảng cáo đã cực cao. Phim trị giá 15 triệu USD (vốn được xem là nhỏ ở Hollywood) có thể có ngân sách cao hơn kinh phí sản xuất.
Chi phí quảng cáo, tỷ lệ ăn chia giữa nhà rạp và nhà sản xuất phim tùy thuộc vào thương hiệu phim.
Những bộ phim không có lượng khán giả cố định (ví dụ như phim chuyển thể trên sách như The Hunger Games, 50 sắc thái ) ban đầu phải chạy quảng cáo, ngân sách cao hơn nhiều so với kinh phí sản xuất.
Và với những bộ phim có kinh phí từ 35-75 triệu USD, chi phí quảng cáo ít nhất tốn 1/2 ngân sách sản xuất.
Những năm gần đây, phim ra rạp gặp nhiều thách thức, khiến hãng phim khó kiếm lợi nhuận. Thông thường, một phần tiền bán vé rạp sẽ được chuyển cho chủ rạp, hãng phim và nhà phân phối sẽ nhận được số tiền còn lại.
Giống cách vận hành của thị trường phim Việt, nhà rạp và nhà phát hành ăn chia phần trăm tăng theo hướng có lợi cho nhà sản xuất. Một hãng phim có thể kiếm được khoảng 60% doanh thu bán vé tại Mỹ và khoảng 20-40% doanh thu bán vé nước ngoài.
Tỷ lệ phần trăm doanh thu mà nhà rạp thu được tùy thuộc vào hợp đồng của mỗi bộ phim. Thỏa thuận có thể khiến hãng phim nhận được tỷ lệ phần trăm doanh thu nhỏ hơn từ một bộ phim hoạt động kém và tỷ lệ phần trăm doanh thu của một bộ phim ăn khách cao hơn.
Các hãng phim và nhà phân phối thường kiếm được nhiều tiền từ doanh thu nội địa hơn là từ doanh thu nước ngoài vì họ nhận được phần trăm lớn hơn. Bất chấp sự sắp xếp này, việc bán vé phim nước ngoài trở nên quan trọng hơn vào đầu thế kỷ 21.
Không giống ở Việt Nam, ngành điện ảnh vốn phụ thuộc lớn vào doanh thu bán vé. Tại Hollywood và một số thị trường lớn, ngành công nghiệp đang thay đổi, riêng việc bán vé không thúc đẩy doanh thu.
“Hoạt động buôn bán, VOD, phát trực tuyến video, bán hàng ở nước ngoài, chiếu phim trên các kênh phân phối có thể giúp các nhà làm phim, nhà sản xuất và hãng phim thu được lợi nhuận. Nhưng như nhiều nhà làm phim Hollywood đã nói, không có gì đảm bảo bộ phim ăn khách hay thành công được”, Investopedia nhận định.