
TP HCMViệc tự tẩy, xóa nốt ruồi tại nhà có nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu, gây sẹo xấu, dễ phát triển tế bào ung thư, hoặc nhầm với nốt ruồi ác tính, khiến bệnh trở nặng.
Bà Hà, 61 tuổi, xuất hiện một nốt ruồi màu đen vùng má phải cách đây một năm. Qua tìm hiểu trên mạng, bà quyết định tự dùng nhang chấm vào nốt ruồi để xóa đi. Vết thương sau đó đóng mài, sưng đỏ, chảy dịch mủ, bà khám ở trạm y tế và được điều trị nhiễm trùng da. Tuy nhiên, vết trợt da ngày càng to, thường xuyên rỉ dịch máu, người phụ nữ đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, được chỉ định xét nghiệm sinh thiết da – đọc giải phẫu bệnh. Kết luận giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân mắc ung thư da tế bào đáy, sau đó được cắt trọn sang thương.
Tương tự, ông Nam, 72 tuổi, cũng có một nốt ruồi màu đen ở vùng má phải, mọc từ năm 2020. Ông đến tiệm thuốc Đông y mua một chai dung dịch (không có nhãn), chấm lên nốt ruồi mỗi ngày một lần. Sau 3 ngày, vị trí chấm trên mặt nóng rát, sưng đau, rỉ dịch, đóng mài, người đàn ông đến nhà thuốc mua thuốc điều trị, nhưng vết thương ngày càng sưng to, thậm chí chảy máu. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ông cũng được chẩn đoán mắc ung thư da tế bào đáy, chỉ định phẫu thuật.

Vết thương đóng mài trên vùng má phải bà Hà. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
ThS.BS Đoàn Quốc Hưng, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nơi này thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng sau khi tự tẩy, xóa nốt ruồi tại nhà. Theo bác sĩ Hưng, đa số bệnh nhân chấm axit hoặc tự tạo vết thương để cắt bỏ nốt ruồi, gây các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Việc này khiến da bị viêm nhiễm, đỏ rát, hoặc gây chảy máu khó kiểm soát do nốt ruồi có nhiều mạch máu nhỏ bên trong.
Ngoài ra, nếu tự bỏ nốt ruồi không cẩn thận, có thể làm tổn thương tế bào và tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào biến đổi thành ung thư. “Tự loại bỏ nốt ruồi có thể làm mất cơ hội phát hiện sớm các biểu hiện bất thường”, ông Hưng nói.

Bác sĩ Tạ Quốc Hưng thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
ThS.BS Lê Minh Châu, khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, cho biết hầu hết nốt ruồi đều vô hại nên không nhất thiết phải xóa, trừ trường hợp ảnh hưởng thẩm mỹ hay gây kích ứng do cọ xát.
Song, các chuyên gia khuyến cáo nếu quan ngại về nốt ruồi hoặc muốn xóa, tuyệt đối không tự thực hiện tại nhà mà nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu. Các bác sĩ có kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá tình trạng của nốt ruồi và đưa ra quyết định tốt nhất cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, nốt ruồi có thể là một dấu hiệu của ung thư da, nên phải kiểm tra kỹ trước khi xóa để không nhầm lẫn và phải thực hiện tại bệnh viện.
Để phát hiện nguy cơ ung thư từ nốt ruồi, cần để ý một số dấu hiệu sau:
– Xuất hiện nốt ruồi bẩm sinh, từ lúc mới sinh ra.
– Nốt ruồi xuất hiện sau 25 tuổi, nằm ở vùng tiếp xúc với nhiều ánh sáng mặt trời.
– Nốt ruồi đậm màu, màu sắc không đồng nhất với màu đỏ hoặc xanh ở khu vực trung tâm và nhạt màu xung quanh.
– Nốt ruồi lớn lên theo thời gian, kích thước thay đổi bất thường.
– Viền nốt ruồi không rõ ràng.
– Nốt ruồi ở một số vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu.
– Đau hoặc ngứa, gây loét ở vị trí có nốt ruồi.
Bác sĩ khuyến cáo khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường ở nốt ruồi như trên, người dân cần đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời (nếu có). Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định những xét nghiệm cần thiết để đánh giá nguy cơ. Nếu kết quả chẩn đoán là ung thư, nhân viên y tế sẽ đánh giá giai đoạn tiến triển của khối u hoặc xem khối u có di căn hay không.
Mỹ Ý
*Tên nhân vật được thay đổi
Leave a Reply