Những giải pháp gỡ khó cho ngành Y

Sớm đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống, sửa các thông tư, nghị định bất cập, tăng lương và phụ cấp cho nhân viên y tế là những giải pháp được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho ngành Y.

Ngày 23/2, trong tọa đàm Ngành y vượt khó, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nêu những thách thức của ngành Y hiện nay, nổi cộm là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị; tình trạng chảy máu chất xám, nhiều nhân lực chất lượng cao chuyển từ công sang tư; sự quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối… Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, các chuyên gia đã thảo luận nhiều giải pháp.

Theo đó, việc đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống bằng các nghị định, thông tư, văn bản cần nhanh chóng triển khai.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết xây dựng Luật Khám, chữa bệnh là một nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết 20, 21 để khắc phục được bất cập và những vấn đề phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh, tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Trọng tâm của luật đã thể hiện tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động khám chữa bệnh. Đồng thời, luật tiếp tục xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ y tế, để bệnh nhân tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế tại cơ sở y tế công và tư.

Bộ Y tế đã và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan để sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật theo đúng thời hạn 1/1/2024.

Đánh giá về Luật Khám chữa, bệnh sửa đổi, đại diện Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cho rằng Luật có nhiều điểm thay đổi hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt, thông thoáng hơn, phục vụ hiệu quả việc chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, Luật có một chương về công tác tài chính của bệnh viện. Theo GS TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đây là một trong những điểm thành công nhất.

“Trước đây, tất cả cơ chế hoạt động trong hệ thống khám chữa bệnh vướng rất nhiều về cơ chế tài chính và lần này chúng ta dành một chương trong Luật”, ông Cơ nói và đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần “vào cuộc hết sức cấp thiết” để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế.





Các khách mời tham gia toạ đàm Ngành Y vượt khó, ngày 23/2. Ảnh: VGP

Các khách mời tham gia toạ đàm Ngành Y vượt khó, ngày 23/2. Ảnh: VGP

Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói các cơ quan thẩm quyền đã rà soát tất cả văn bản liên quan để hoàn thiện thể chế trước mắt về nội dung này. Trong đó, Nghị quyết 80 đã cho phép gia hạn đăng ký thuốc đến hết năm 2024. Cục Quản lý Dược đã ban hành đợt 1 gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc, giải quyết được căn bản tình trạng thiếu thuốc.

Đối với trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 98 của Chính phủ và đang trình Chính phủ xem xét ban hành, khi thực hiện cũng sẽ giải quyết triệt để tình trạng thiếu nguồn cung.

Chiều nay, Bộ Y tế đã họp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc trong việc thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy đặt, mượn – là lý do khiến nhiều bệnh viện cạn kiệt hóa chất.

Cuối cùng, để củng cố nguồn nhân lực, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị định đưa phụ cấp nghề đối với y tế cơ sở và dự phòng từ 40%, 70% lên 100%.

“Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu”, Thứ trưởng Tuyên chia sẻ.

Đây cũng là thông điệp các chuyên gia nêu trong tọa đàm, đặc biệt là lời cảm ơn và tri ân đến tất cả thầy thuốc trên toàn quốc trong hơn hai năm đại dịch đã không quản ngại khó khăn với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng và tính mạng. Đến nay, đối mặt với những thách thức hậu đại dịch, rất nhiều y bác sĩ vẫn nỗ lực trên hành trình cứu chữa người bệnh.

Lê Nga

Nguồn

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.