Các nghiên cứu chứng minh người thấp sống lâu hơn
Nghiên cứu năm 2003 đăng trên tạp chí Elsevier đã phát hiện ra mối liên hệ giữa chiều cao và tuổi thọ dựa trên dữ liệu từ hàng triệu ca tử vong. Theo kết quả nghiên cứu, tuổi thọ những người trong nhóm thấp bé sẽ dài hơn những người nhóm có chiều cao vượt trội. Đồng thời nghiên cứu cho thấy nhóm thấp bé “ít mắc các bệnh mạn tính liên quan đến chế độ ăn uống hơn, đặc biệt là ở tuổi trung niên”.
Một nghiên cứu năm 2017 đã phân tích chiều cao và tuổi thọ của 3.901 cựu cầu thủ bóng rổ còn sống và qua đời thi đấu từ năm 1946 – 2010. Các cầu thủ có chiều cao trung bình 1m97. Trong nghiên cứu, 5% cầu thủ có chiều cao vượt trội nhất qua đời sớm hơn những cầu thủ thuộc nhóm 5% dưới cùng.
Năm 2014, một nhóm chuyên gia đã công bố nghiên cứu sau khi theo dõi hơn 8.003 người đàn ông Mỹ gốc Nhật. Lối sống cũng như tình trạng sức khỏe của những người đàn ông này được giám sát và nghiên cứu chặt chẽ trong nhiều năm. Trong số các đối tượng nghiên cứu, khoảng 1.200 người đã sống tới tuổi ngoài 90 và 100.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người thấp bé được bảo vệ bởi gen FOXO3 dẫn tới kích thước cơ thể nhỏ hơn trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng lại giúp họ sống thọ hơn. Bởi vì, cơ thể họ sở hữu lượng insulin trong máu thấp hơn và ít khả năng mắc ung thư hơn. Cụ thể là đàn ông cao dưới 1m57 sẽ sống lâu hơn so với nhóm cao trên 1m62.
Khảo sát 2.500 vận động viên nam giới Phần Lan đưa ra kết quả những VĐV trượt băng thấp hơn 1m8 sống thọ hơn 7 năm so với các VĐV bóng rổ cao hơn. Bên cạnh đó, một nghiên cứu dựa trên dữ liệu của những người đàn ông từng ở trong quân đội Ý cho thấy kết quả những người cao dưới 1m61 sẽ sống thọ hơn ít nhất 2 năm so với người cao trên mốc này.
Vì sao người thấp hơn lại sống lâu hơn?
Theo chuyên gia nhân khẩu học Jean-Marie Robine, lý do sinh học có thể là “khi cao hơn, bạn cần nhiều sự tái tạo tế bào hơn để lấp đầy cơ thể và điều này chỉ khiến bạn kiệt sức nhanh”.
Người cao có thể có cả nghìn tỷ tế bào hơn người thấp, điều này có thể khiến các gốc tự do và chất gây ung thư tiếp xúc, tác động nhiều hơn đến các tế bào. Khi con người già đi, các tế bào thay thế có thể không có sẵn để sửa chữa tổn thương mô và cơ quan ở người cao.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer, Epidemiology, Biomarkers & Prevention, nhược điểm của những người cao ở cả hai giới là nguy cơ tăng mắc phải hầu hết các loại ung thư. Trung bình, cứ tăng 4 inch chiều cao (trên 10cm), phụ nữ tăng khoảng 13% phát triển 1 trong 19 loại ung thư.
Một nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ cũng cho biết, tăng chiều cao tỷ lệ thuận với ung thư. Khi về già, mạch máu cứng lại, teo cơ, tăng gánh nặng cho tim, giảm lượng máu bơm, vì người cao có mạch máu dài hơn nên dễ bị tim mạch và các vấn đề về mạch máu não. Đồng thời, các chất dinh dưỡng trong máu mất nhiều thời gian hơn để đến các cơ quan.
Tuy vậy, các nghiên cứu cũng chứng minh người cao giảm nguy cơ bệnh đái tháo đường tuýp 2 ở phụ nữ và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Các chuyên gia cho biết chiều cao chỉ là một yếu tố có liên quan đến tuổi thọ, điều quan trọng quyết định đến sức khỏe và việc sống lâu hay ngắn còn tùy thuộc vào môi trường sống, thói quen sinh hoạt, điều kiện kinh tế cùng nhiều khía cạnh khác.
Theo CNBC, ScienceTimes