Phát hiện nhiều người mắc bệnh phong tại các thành phố lớn

Ngày 24-11, tại hội nghị da liễu toàn quốc năm 2023, PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm cả nước vẫn phát hiện từ 70 đến hơn 100 ca mắc mới bệnh phong, trong đó không ít trường hợp ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM…

Đáng nói là có nhiều trường hợp bệnh phong phát hiện khá muộn nên đã để lại di chứng, tàn tật ở mặt, tay chân, ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.

Phát hiện nhiều người mắc bệnh phong tại các thành phố lớn - Ảnh 1.

PGS-TS Lê Hữu Doanh cảnh báo tình trạng bệnh nhân phong được phát hiện, điều trị muộn

Nguyên nhân theo PGS Doanh là do thời gian ủ bệnh kéo dài (5-10 năm), bệnh bị quên lãng nên nhiều bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm sang viêm da dị ứng tiếp xúc, dị ứng, viêm da cơ địa… do cũng có những biểu hiện nổi sẩn, hồng ban trên da.

Hiện nay, cả nước đang quản lý khoảng 8.000 bệnh nhân phong. Đây là bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn Mycobacterium leprae. Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể…

PGS Doanh cho biết trước đây bệnh phong được coi là bệnh nan y, gây tàn tật cao nhưng với sự tiến bộ của y học, nhiều bệnh nhân phong đã được chữa trị kịp thời. Việt Nam đã đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 2000. Tuy nhiên, số bệnh nhân mới phát hiện hằng năm còn cao nên chương trình phòng, chống phong vẫn phải duy trì tới khi đạt mục tiêu thanh toán hoàn toàn.

Theo bác sĩ Dương Phúc Hiếu, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh phong vẫn là gánh nặng cho một số quốc gia. Số ca phát hiện mới giảm đi nhưng số lượng ca bệnh phong tiềm ẩn có xu hướng tăng. Thậm chí, sau hóa trị liệu, những ca phong nhiều vi khuẩn có khả năng tái phát và phản ứng.

Phát hiện nhiều người mắc bệnh phong tại các thành phố lớn - Ảnh 2.

Điều trị bệnh nhân phong tại Bệnh viện Da liễu Trung ương

Việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin đặc hiệu phòng bệnh phong rất có ý nghĩa tuy nhiên hiện chưa có sản phẩm nào dù nhiều quốc gia đã, đang nghiên cứu. Một trong những nguyên nhân là do việc nuôi cấy trực khuẩn phong để chế tạo vắc-xin rất khó. Một số vắc-xin ngừa bệnh phong được thử nghiệm lâm sàng nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Các chuyên gia cho biết cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc. Bệnh lây qua các dịch tiết của người bệnh, nhưng rất khó lây, đòi hỏi phải có tiếp xúc gần và kéo dài. Bệnh phong không di truyền và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị từ 6 tháng đến 1 năm. Người bệnh điều trị tại nhà, không cần cách ly. Khi được điều trị khả năng truyền bệnh giảm tới 99%.

Hội nghị Da liễu toàn quốc thường niên 2023 được tổ chức từ 23 đến 25-11 tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng với gần 1.500 đại biểu tham sự là một trong những hoạt động chuyên môn nổi bật nhất để các cán bộ y, bác sĩ chuyên ngành da liễu cập nhật và chia sẻ kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực hành và ứng dụng công nghệ mới.

Hội nghị có 14 phiên khoa học với 100 báo cáo chuyên chuyên môn. Trong đó, có 15 báo cáo báo quốc tế của các chuyên gia Da liễu uy tín đến từ Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Ý, Singapore, Malaysia và Ấn Độ. Hội nghị có nhiều chuyên đề chuyên sâu như: Mày đay, bạch biến, rụng tóc, vảy nến, trứng cá, các bệnh lý tự miễn, rối loạn miễn dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư da…

photo-1

Đại diện Bệnh viện Da liễu Trung ương và GS Fujieda Shigeharu, Đại học Fukui, tại lễ ký kết hợp tác

Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác y tế giữa ngành da liễu Việt Nam với Trung tâm da liễu Quốc gia CHDCND Lào và Khoa học y tế, Đại học Fukui, Nhật Bản. Theo đó, các bệnh viện sẽ thúc đẩy hợp tác và trao đổi học thuật trong các hoạt động: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu và đào tạo sau đại học, trao đổi thông tin trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm; trao đổi nhân viên y tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *