“Quả hạnh phúc” ngày Tết chống mỡ máu, tiểu đường cực tốt

Các vấn đề chuyển hóa như rối loạn lipid máu (dân gian hay gọi là mỡ máu cao, máu nhiễm mỡ) hay tăng đường huyết có thể được phòng ngừa bằng những quả lựu, theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nutrients.

Quả hạnh phúc ngày Tết chống mỡ máu, tiểu đường cực tốt - Ảnh 1.

Tình trạng mỡ máu, đường huyết cao có thể được đẩy lùi bằng những quả lựu – Ảnh minh họa từ Internet

Nhóm tác giả đến từ Đại học Sultan Moulay Slimane (Morocco) và Đại học Sherbrooke (Canada) đã chứng minh điều này thông qua các con chuột thí nghiệm được bổ sung dầu hạt lựu.

Điều này cũng tương đương với việc ăn các quả lựu, vì loại trái cây này thường được ăn cả hạt. Các chất dinh dưỡng có lợi được chứng minh nằm trong mọi thành phần của quả này.

Theo News-Medical, qua một thời gian bổ sung, các con chuột thí nghiệm đã cải thiện sức khỏe ngoạn mục. Trong đó, chúng cải thiện được tình trạng mỡ máu cao và đường huyết cao rõ rệt nhất.

Cụ thể hơn, các thành phần lipid máu như nồng độ cholesterol toàn phần, cholesterol xấu LDL hay chất béo trung tính (triglyceride) đều giảm.

Cải thiện các chỉ số nói trên đồng nghĩa với việc giảm tình trạng gọi là “rối loạn chuyển hóa” nói chung. Trong khi đó, tác dụng khống chế đường huyết giúp đẩy lùi nguy cơ tiểu đường type 2.

Ngoài ra, việc bổ sung này còn có lợi trong việc giảm béo phì và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Những tác dụng kỳ diệu này là do hàm lượng các hợp chất polyphenol cực kỳ dồi dào trong quả lựu.

Chúng giúp giảm tình trạng kháng insulin, cải thiện nồng độ cytokine hợp lý, chống stress oxy hóa, chống lại tình trạng tăng huyết áp và tổn thương các mạch máu, cải thiện cơ chế chuyển hóa…

Quả lựu là một loại trái cây có nguồn gốc từ Trung Đông, hiện được trồng phổ biến ở khắp châu Á.

Với người Việt, một số vùng còn có thói quen trưng loại quả này ngày Tết vì coi nó là biểu tượng của hạnh phúc, ấm no, may mắn, tài lộc…

Trong lĩnh vực y học cổ truyền của nhiều nước châu Á bao gồm Việt Nam, vỏ lựu, rễ cây lựu và hạt lựu cũng được sử dụng làm thuốc.

Trong ẩm thực, quả lựu thường được ăn trực tiếp như đa số trái cây khác hoặc làm nước ép, trộn salad…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *