Một chuyên gia tâm lý ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện gây chú ý:
“Hai ngày trước, tôi nhận được tin nhắn riêng của một phụ huynh, lời nói bộc lộ sự bất lực và lo lắng sâu sắc. Người phụ huynh này là một bà mẹ đi làm bận rộn, công việc hàng ngày khiến chị gần như không có nhiều thời gian để quan tâm đến cuộc sống của con sau giờ học. Con của chị, Tiểu Minh, là học sinh lớp 4, hầu như dành toàn bộ thời gian ở nhà sau khi đi học về.
Ban đầu, người mẹ này nghĩ chỉ cần con ở nhà an toàn, làm bài tập tốt là đủ. Nhưng dần dần, chị phát hiện ra con luôn dán mắt vào TV và máy tính bảng, hiếm khi tham gia vào các hoạt động khác.
Người phụ huynh này nói với tôi: “Tôi biết điều này là không tốt, nhưng thực sự không có thời gian và sức lực để quản lý cuộc sống của cháu sau giờ học. Tôi lo điều này sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và phát triển của cháu nhưng tôi không thể làm được gì”.
Trên thực tế, những giờ sau khi tan trường là khoảng thời gian vô cùng quý giá đối với trẻ. Trong thời gian này, trẻ không chỉ cần hoàn thành bài tập nhà trường giao mà còn cần được thư giãn, phát triển về thể chất và tinh thần.
Nhưng nhiều bậc cha mẹ bận rộn với công việc và khó có thể quan tâm, hướng dẫn đầy đủ cho con, dẫn đến trẻ thiếu sự quản lý, hướng dẫn hiệu quả trong giai đoạn này.
Trường hợp của Tiểu Minh không phải là duy nhất, nhiều gia đình cũng phải đối mặt với tình huống khó xử tương tự. Trẻ em nghiện thiết bị điện tử, thiếu sự tương tác và giao tiếp với cha mẹ, điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả học tập mà còn đến sự phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội của trẻ. Làm thế nào để sắp xếp thời gian cho con sau giờ học một cách hợp lý đã trở thành câu hỏi đáng suy ngẫm của mỗi bậc phụ huynh”, chuyên gia này nói.
Chuyên gia chỉ ra những điều cần lưu ý:
Tại sao khoảng thời gian sau khi đi học về rất quan trọng?
1. Giai đoạn quan trọng để phát triển học tập và cảm xúc
– Phát triển học thuật: Thời gian sau giờ học là giai đoạn quan trọng để củng cố những kiến thức đã học ở trường. Trong môi trường gia đình, trẻ có thể khám phá và lĩnh hội kiến thức mới một cách tự do hơn, điều này rất quan trọng.
– Phát triển cảm xúc: Thông qua giao tiếp và tương tác với cha mẹ, trẻ có thể học cách bày tỏ cảm xúc, nâng cao sự tự tin, đồng thời cảm nhận được sự ấm áp và hỗ trợ của gia đình.
2. Tầm quan trọng của vai trò cha mẹ
– Là người hướng dẫn: Cha mẹ không chỉ là người bảo vệ con cái mà còn là người hướng dẫn cho con. Thái độ, hành vi của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Bằng cách sắp xếp thời gian sau giờ học một cách hợp lý, cha mẹ có thể hướng dẫn con hình thành thói quen học tập và lối sống tốt.
– Hãy là người hỗ trợ: Sự hỗ trợ của cha mẹ là rất quan trọng đối với sự tự tin và phát triển cảm xúc của trẻ. Cha mẹ có thể mang lại cho con sự hỗ trợ và động viên tinh thần cần thiết bằng cách lắng nghe và tham gia vào cuộc sống của con.
Việc cha mẹ cần làm
Khoảng thời gian sau giờ học phải là khoảng thời gian phát triển toàn diện, không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt cảm xúc, xã hội và thể chất. Làm thế nào để cân bằng được những khía cạnh này đã trở thành câu hỏi mà các bậc cha mẹ cần phải nghiêm túc cân nhắc.
Từ trường hợp của Tiểu Minh, chúng ta có thể thấy tác động tiêu cực của việc quản lý không đủ thời gian sau giờ học đối với trẻ em. Để giúp phụ huynh quản lý tốt hơn giai đoạn quan trọng này, dưới đây là một số gợi ý và chiến lược cụ thể:
1. Quản lý thời gian và lập kế hoạch hoạt động
– Cân bằng thời gian làm bài tập và nghỉ ngơi: Phụ huynh nên cùng con xây dựng thời gian biểu hợp lý. Ví dụ, trẻ có thể nghỉ ngơi nửa giờ sau giờ cơm và sau đó tập trung hoàn thành bài tập về nhà. Sự sắp xếp này không chỉ đảm bảo hiệu quả học tập mà còn tránh được tình trạng mệt mỏi quá mức.
-Tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích: Ngoài việc học tập, trẻ cũng cần thời gian để thư giãn, vui chơi. Trẻ em có thể được khuyến khích tham gia các hoạt động có lợi như đọc sách, vẽ hoặc thể thao.
2. Giao tiếp và hỗ trợ cảm xúc
– Kỹ năng giao tiếp hiệu quả: Cha mẹ nên học cách giao tiếp hiệu quả với con. Ví dụ, vào bữa tối, bạn có thể thảo luận về các sự kiện trong ngày và khuyến khích con chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc ở trường. Những cuộc trò chuyện như vậy có thể giúp cha mẹ hiểu được trạng thái tinh thần của con mình và cũng thúc đẩy giao tiếp cảm xúc.
– Tham gia các hoạt động của trẻ: Cha mẹ nên tích cực tham gia các hoạt động của trẻ. Ví dụ, nếu Tiểu Minh thích bóng rổ, bố mẹ có thể cùng bé chơi hoặc xem các trận bóng rổ. Hoạt động chung này không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ cha mẹ và con cái mà còn mang đến cho trẻ cơ hội học hỏi và phát triển.
3. Tạo môi trường gia đình thuận lợi
– Khuyến khích việc học tập độc lập: Cha mẹ nên khuyến khích con học tập độc lập và trau dồi tính tự lập của mình. Ví dụ, bạn có thể cùng con lập kế hoạch học tập và để trẻ tự thực hiện với sự hướng dẫn của bố mẹ thay vì tham gia đầy đủ.
– Đặt ra những ranh giới lành mạnh: Những ranh giới hợp lý là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Ví dụ, giới hạn thời gian sử dụng các sản phẩm điện tử và khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời có thể giúp rèn luyện khả năng tự chủ và bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Thông qua những gợi ý trên, phụ huynh không chỉ có thể giúp con tận dụng tốt hơn thời gian sau giờ học mà còn tăng cường kết nối tình cảm với con, cùng thúc đẩy con phát triển toàn diện.
Mỗi giờ trong cuộc sống của chúng ta đều quý giá, đặc biệt là đối với trẻ em đang lớn. Khoảng thời gian sau giờ học tuy có vẻ bình thường nhưng lại mang đến những cơ hội quan trọng cho sự phát triển về mặt cảm xúc, trí tuệ, xã hội và thể chất của trẻ. Vai trò của cha mẹ không chỉ là giám sát, hướng dẫn mà còn đồng hành và truyền cảm hứng. Trong nhịp sống bận rộn, các bậc cha mẹ có thể cảm thấy thời gian và sức lực của mình có hạn, nhưng hãy nhớ rằng, chất lượng luôn lấn át số lượng.
Theo một nghiên cứu, trẻ con của cần ít nhất 30 phút ”chất lượng” bên cha mẹ mỗi ngày. ”Thời gian chất lượng” nghĩa là gì? Đó là lúc bạn tắt tivi, máy tính, điện thoại di động… để toàn tâm, toàn ý bên con.
Chúng ta hãy cùng nhau trân trọng và tận dụng những khoảnh khắc quý giá này để tạo dựng một môi trường gia đình tràn đầy tình yêu thương và trí tuệ.