Men gạo đỏ mới chỉ xuất hiện trên các quầy dược phẩm trong vài thập kỷ qua và những công dụng của men gạo đỏ đối với sức khỏe chẳng hạn như giảm cholesterol, giảm nguy cơ bệnh tim mạch, tốt cho hệ tiêu hóa… vẫn đang được các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu.
Men gạo đỏ là một loại men được lên men từ gạo và một số loài nấm mốc cụ thể là Monascus ruber hoặc Monascus purpureus. Men gạo đỏ được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền Trung Quốc trong nhiều thế kỷ nhờ đặc tính tăng cường sức khỏe mạnh mẽ chẳng hạn như giảm cholesterol, cải thiện tuần hoàn máu và cải thiện tiêu hóa…
1. Tác dụng của men gạo đỏ đối với sức khỏe
Dưới đây là một số thông tin liên quan tới tác dụng của men gạo đỏ đối với sức khỏe dựa trên các bằng chứng nghiên cứu khoa học được đăng tải trên NCBI, theo Healthline:
1.1. Có thể tăng cường sức khỏe tim mạch và giảm cholesterol không?
Bệnh tim là một tình trạng sức khỏe khẩn cấp nghiêm trọng ảnh hưởng tới hàng triệu người Việt mỗi năm và là nguyên nhân dẫn tới nhiều ca tử vong. Trong đó, cholesterol cao được biết là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim khiến động mạch bị thu hẹp và cứng lại – từ đó dẫn tới nguy cơ đau tim và đột quỵ xảy ra đột ngột.
Theo Healthline, một đánh giá của 21 nghiên cứu cho thấy men gạo đỏ có hiệu quả trong việc giảm mức cholesterol toàn phần và cholesterol xấu cũng như trigluceride và huyết áp khi được sử dụng kết hợp với nhóm thuốc statin. Điều này được cho là nhờ tác dụng của hợp chất monacolin K – thành phần hoạt chất tương tự có trong các loại thuốc giảm cholesterol theo đơn nhóm statin như lovastatin (nhóm statin là nhóm thuốc có tác dụng giảm nồng độ cholesterol xấu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim).
Men gạo đỏ có thực sự tốt cho sức khỏe? (Ảnh: Internet)
Monacolin K có thể giúp cải thiện chức năng nội mô, tính linh hoạt và khả năng thích ứng của mạch máu – chìa khóa để một người có thể duy trì sức khỏe mạch máu và trái tim. Thậm chí men gạo đỏ được cho là đôi khi có thể ít gây ra tác dụng phụ hơn so với các loại thuốc theo đơn điều trị cholesterol cao.
Theo WebMD, một nghiên cứu cho thấy dùng 2,4 gam men gạo đỏ mỗi ngày giúp giảm cholesterol xấu tới 22% và cholesterol toàn phần lên 16% trong 12 tuần. Một nghiên cứu khác cho thấy dùng 1,2 gam mỗi ngày làm giảm mức cholesterol xấu xuống 26% chỉ sau 8 tuần.
Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng, mặc dù men gạo đỏ dùng dưới dạng chất bổ sung được coi là an toàn nhưng vẫn có thể mang lại những tác dụng phụ tiềm ẩn tương tự như thuốc điều trị cholesterol nhóm statin. Gạo men đỏ có thể có giá thấp hơn statin. Tuy nhiên, với thực phẩm bổ sung, sẽ ít đảm bảo hơn về chất lượng và lượng hoạt chất thực sự có trong sản phẩm. Một số sản phẩm men đỏ có thể chỉ chứa một lượng nhỏ monacolin K và có thể ít tác động đến mức cholesterol.
1.2. Có thể giúp điều trị hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ. Một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa bao gồm huyết áp cao, dư thừa mỡ cơ thể, tăng lượng đường trong máu và sự thay đổi mức cholesterol hoặc chất béo trung tính.
Theo Healthline, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng men gạo đỏ có thể giúp điều trị một số yếu tố nguy cơ này và được sử dụng như một biện pháp tự nhiên giúp phòng ngừa.
Một nghiên cứu nhỏ kéo dài 18 tuần cho thấy thực phẩm bổ sung chứa men gạo đỏ có thể giúp giảm lượng đường trong máu, mức insulin và huyết áp tâm thu ở những người mắc hội chứng chuyển hóa. Một nghiên cứu kéo dài 8 tuần khác xem xét tác động của men gạo đỏ ở chuột với chế độ ăn nhiều chất béo cho thấy bổ sung men gạo đỏ có thể ngăn ngừa sự gia tăng mức cholesterol và trọng lượng cơ thể.
Chỉ sử dụng men gạo đỏ khi đã tham vấn ý kiến bác sĩ (Ảnh: Internet)
1.3. Giảm viêm
Viêm là một phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể để chống lại các nhiễm trùng cấp tính hay tác nhân xâm nhập từ bên ngoài. Tình trạng viêm kéo dài được cho là góp phần gây ra các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư và bệnh tim.
Các nghiên cứu cho thấy bổ sung men gạo đỏ có thể giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe tốt hơn về lâu dài. Theo Healthline, một nghiên cứu ở 50 người mắc hội chứng chuyển hóa cho thấy rằng sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa men gạo đỏ và chiết xuất ô liu trong 8 tuần đã giúp giảm mức độ stress oxy hóa – nguyên nhân chính gây viêm mãn tính – tới 20%.
1.4. Tiềm năng trong chống ung thư
Mặc dù các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của men gạo đỏ chỉ giới hạn trên động vật và trong ống nghiệm nhưng các nghiên cứu này đã cho thấy tiềm năng giảm sự phát triển tế bào ung thư của men gạo đỏ.
Một nghiên cứu năm 2011 trên NCBI cho thấy chuột bị mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt dùng bột men gạo đỏ đã giảm đáng kể khối lượng khối u so với nhóm đối chứng.
Tuy vậy thì đây mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu mở ra tiềm năng trong chống ung thư của men gạo đỏ và chúng ta cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để có thể xác định và kết luận chính xác.
2. Tác dụng phụ có thể gặp
Men gạo đỏ có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như tại đường tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng và đau dạ dày. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn thì men gạo đỏ cũng có thể gây ra các vấn đề về cơ, nhiễm độc gan hay các phản ứng dị ứng tương tự như tác dụng phụ của thuốc giảm cholesterol theo đơn gây ra.
Men gạo đỏ có thể gây ra một số tác dụng phụ và tương tác thuốc cần thận trọng nếu dùng (Ảnh: Internet)
Vì nghiên cứu về tính an toàn khi sử dụng lâu dài của men gạo đỏ vẫn còn hạn chế nên men gạo đỏ không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú và người dưới 20 tuổi. Nếu nhận thấy bất kỳ bất thường nào khi sử dụng men gạo đỏ bạn cần nhanh chóng nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ.
Rủi ro với citrinin có thể xảy ra ở men gạo đỏ không được sản xuất cẩn thận. Citrinin là một loại độc tố nấm mốc hay có thể hiểu là chất độc được tạo ra bởi một số loại nấm mốc. Theo Healthline, citrinin có thể gây suy thận ở động vật và ảnh hưởng tới biểu hiện gen ở người.
Ngoài ra, trước khi sử dụng men gạo đỏ hay bất kỳ thực phẩm dưới dạng bổ sung nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Đặc biệt khi bạn đang có các tình trạng sức khỏe sẵn có như tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim, cholesterol cao…
3. Tương tác thuốc với men gạo đỏ
Bởi men gạo đỏ có chứa nhiều hợp chất monacolin K nên người đang dùng thuốc nhóm statin không nên dùng thêm men gạo đỏ trừ khi có chỉ dẫn khác từ bác sĩ chủ trị.
Men gạo đỏ cũng có thể tương tác với các loại thuốc tương tác với nhóm statin bao gồm các loại thuốc giảm cholesterol khác, thuốc kháng sinh, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống nấm và thuốc kháng virus. Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào dù thuộc hay không nằm trong danh sách kể trên thì bạn cũng cần cho bác sĩ biết để nhận tư vấn trước khi sử dụng men gạo đỏ như một dạng thực phẩm bổ sung.
Ngoài thuốc thì bạn không nên uống rượu nếu đang sử dụng men gạo đỏ bởi sự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Men gạo đỏ thường có sẵn ở dạng viên nén và bào chế kết hợp với các thành phần khác (Ảnh: Internet)
4. Uống men gạo đỏ bao nhiêu là đủ?
Men gạo đỏ thường có sẵn ở dạng viên nén và bào chế kết hợp với các thành phần khác chẳng hạn như CoQ10, nattokinase hoặc axit béo omega-3. Những chất bổ sung này dễ dàng được tìm thấy rộng rãi trong các hiệu thuốc.
Các liều từ 200mg – 4.800mg được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng thường chứa khoảng 10mg tổng monacolin và hầu hết các sản phẩm trên thị trường thường khuyên dùng từ 1.200mg – 2.400mg mỗi ngày, chia thành 2 – 3 liều.
Tuy nhiên do số lượng cần thiết để đạt được các tác dụng tiềm năng của men gạo đỏ vẫn chưa được xác định một cách chính thức nên bạn cần thận trọng khi sử dụng để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn. Hãy nói chuyện với bác sĩ để xác định liều phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân và nên lựa chọn các sản phẩm uy tín được bên thứ ba kiểm tra về độ tinh khiết, thành phần và có chứng nhận cũng như đã cung cấp các báo cáo của bên thứ ba này tới người tiêu dùng.
Nguồn: Tổng hợp