Theo dõi đường huyết 30 ngày, bất ngờ phát hiện loại củ làm chỉ số này tăng đột biến

Bạn có thể nghĩ rằng việc kiểm soát lượng đường trong máu chỉ dành cho những người mắc bệnh tiểu đường, nhưng nghiên cứu cho thấy đường huyết ảnh hưởng đến mức năng lượng, giấc ngủ và cảm giác của mọi người.

Các chuyên gia như Tiến sĩ Eric Berg (sống tại Mỹ), người nổi tiếng trên YouTube vì những lời khuyên về sức khỏe, cũng nhấn mạnh rằng tình trạng kháng insulin do chế độ ăn uống kém lành mạnh có thể là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim.

Do đó, hiểu biết và quản lý lượng glucose trong máu cũng mang lại một số lợi ích cho những người không mắc bệnh tiểu đường, theo Pamela Nisevich Bede, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ.

Theo dõi đường huyết 30 ngày, bất ngờ phát hiện loại củ làm chỉ số này tăng đột biến - Ảnh 1.

Hiểu biết và quản lý lượng glucose trong máu cũng mang lại một số lợi ích cho những người không mắc bệnh tiểu đường.

Nữ chuyên gia chia sẻ rằng quản lý lượng đường trong máu có thể giúp quản lý năng lượng, phân biệt giữa cơn đói và cảm giác thèm ăn, cải thiện sự tập trung và thậm chí cả giấc ngủ.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp mới nổi tại Mỹ đang tung ra các thiết bị theo dõi glucose mà người tiêu dùng có thể tự đeo và theo dõi hằng ngày.

Mới đây, phóng viên Diana Buntajova của tờ Express (Anh) đã đeo thiết bị này trong một tháng để hiểu rõ hơn về cách đường huyết phản ứng với chế độ ăn.

Sau bốn tuần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu của mình, Diana đã phát hiện loại củ bất ngờ có thể làm tăng đường huyết.

“Trước khi bắt đầu đeo thiết bị, tôi không nghĩ mình sẽ thấy bất kỳ sự gia tăng đột biến nào về lượng đường trong máu vì tôi cho rằng chế độ ăn uống của mình khá lành mạnh”, Diana viết.

“Chế độ ăn của tôi chứa đầy trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm chế biến ít nhất có thể. Tôi hy vọng sẽ thấy chỉ số khá ổn định. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm lành mạnh đã khiến lượng đường trong máu của tôi tăng vọt”.

Loại củ có thể làm tăng đường huyết 

Khi lập danh sách mua sắm hàng tuần, Diana cố gắng mua rau củ nhiều màu sắc nhất có thể, bao gồm cả cà rốt.

“Cho dù tôi cắt cà rốt ra và cho vào món ăn chay hay nướng chúng và trộn vào súp, tôi đều nhận thấy rằng cà rốt khiến lượng đường trong máu của tôi tăng đột biến”, Diana nói.

“Chuyên gia dinh dưỡng Bede nói với tôi rằng cà rốt, giống như nhiều loại củ khác, có chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) cao hơn”.

“Cô ấy nói: “Chỉ số đường huyết là giá trị được gán cho từng loại thực phẩm dựa trên mức độ và tốc độ gây gia tăng lượng glucose của chúng”.

Theo dõi đường huyết 30 ngày, bất ngờ phát hiện loại củ làm chỉ số này tăng đột biến - Ảnh 2.

Một đĩa cà rốt baby nướng.

Trong khi thực phẩm có GI thấp có xu hướng làm tăng lượng glucose một cách chậm rãi và ổn định, thực phẩm có GI cao lại có xu hướng làm tăng nhanh hoặc tăng đột biến lượng glucose.

May mắn thay, chuyên gia dinh dưỡng Bede nói rằng việc kết hợp các loại củ như cà rốt, bí đỏ với các loại rau, protein và chất béo không chứa tinh bột khác có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, Diana nhấn mạnh rằng phản ứng về đường huyết của mỗi người là khác nhau. “Vì vậy, những gì áp dụng cho tôi có thể không áp dụng cho bạn”, Diana nói.

Bede nói thêm: “Mức đường huyết của hai người sẽ phản ứng khác nhau, ngay cả khi ăn cùng một bữa ăn. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi mỗi người có phản ứng cực kỳ cá nhân hóa đối với thực phẩm và do đó, nên có cách tiếp cận phù hợp để duy trì mức đường huyết”.

(Theo Express)

https://soha.vn/theo-doi-duong-huyet-30-ngay-bat-ngo-phat-hien-loai-cu-lam-chi-so-nay-tang-dot-bien-20231119161452878.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *