Sinh ra tại Bangladesh, ông Abu Bakar (70 tuổi) một mình rời quê hương từ 31 năm trước để tìm việc làm ở Malaysia, kiếm tiền nuôi gia đình. Khi đó, đứa con trai thứ năm, cũng là con út của ông, chỉ mới 6 tháng tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn với Humans of Kuala Lumpur, một cơ quan truyền thông của Malaysia, Abu Bakar cho biết hồi đó ông nghe nhiều về cơ hội việc làm ở Malaysia và sẵn sàng đảm nhận những công việc mà người khác không muốn làm.
Trong 27 năm, ông Bakar đã làm việc 7 ngày một tuần, không nghỉ một ngày nào. Ông luôn gửi phần lớn thu nhập của mình về Bangladesh để trang trải việc học hành của con cái và chi phí sinh hoạt gia đình. “Tôi chưa lần nào trở về Bangladesh kể từ khi đến Malaysia. Tôi nhớ gia đình và họ cũng nhớ tôi, nhưng mọi việc tôi làm đều vì tương lai tốt đẹp hơn của con cái” , Bakar nói khi trả lời phỏng vấn Humans of Kuala Lumpur. Hiện tại, ông đã trở về Bangladesh đoàn tụ với gia đình.
Thu nhập của ông tại Malaysia chưa được tiết lộ, nhưng theo trang web việc làm Indeed , mức lương trung bình hàng tháng của một người dọn dẹp ở nước này là khoảng 1.640 ringgit (hơn 10 triệu đồng). Theo trang Numbeo , một gia đình 4 người sống ở Bangladesh phải chi khoảng 1.200 USD (30 triệu đồng) mỗi tháng, chưa bao gồm tiền thuê nhà. Hiện vẫn chưa rõ ngoài khoản tiền mà Bakar gửi về, gia đình ông ở Bangladesh còn có thể dựa vào nguồn thu nhập nào.
Hoạt động hàng ngày của người đàn ông này rất đơn giản và lặp đi lặp lại: “Mỗi ngày, tôi thức dậy, tắm rửa, ăn sáng, đi làm, trở về nhà, gọi điện cho gia đình rồi nghỉ ngơi”.
Sự chăm chỉ của ông Bakar đã được đền đáp xứng đáng. Con gái ông đã trở thành một thẩm phán được kính trọng, hai con trai hiện là bác sỹ và kỹ sư. “Tôi thực sự biết ơn về những thành quả mà các con đạt được”, ông nói.
Câu chuyện về sự chăm chỉ của ông lão lao công này khiến nhiều cộng đồng mạng ngưỡng mộ: “Thật là một hình mẫu đáng kinh ngạc! Niềm tin và tình yêu không lay chuyển dành cho gia đình đã giúp ông ấy làm việc trong suốt những năm qua”; “Đừng bao giờ đánh giá thấp phẩm giá của lao động. Họ đã xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình bằng chính đôi tay của mình và xứng đáng được mọi người tôn trọng”…
Tuy nhiên, một số cư dân mạng chỉ trích các con của ông: “Nếu tôi là thẩm phán, bác sỹ hoặc kỹ sư, tôi đã đưa cha mình về nhà từ lâu rồi. Không cha mẹ nào đáng phải chịu đau khổ vì sự thành công của con mình”.