Một câu hỏi như sau: Con trai muốn bạn tham dự lễ tốt nghiệp của mình và lãnh đạo cử bạn đi gặp một khách hàng rất quan trọng, thời gian vừa hay đều diễn ra trong cùng một ngày, bạn sẽ lựa chọn ra sao?
Ở tuổi 39, sau 8 năm khởi nghiệp, tôi ngộ ra được 5 lời nói dối về việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.
01
Cha mẹ không thể bỏ lỡ những cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của con
Chuyên gia nói độ tuổi trước 12 là giai đoạn dựa dẫm của trẻ, không nên bỏ lỡ sinh nhật hay những dịp lễ tết với trẻ. Còn tôi, gần như mỗi một dịp đó, tôi đều bỏ lỡ.
Cách đây không lâu, vào ngày Quốc tế thiếu nhi, con trai tôi hẹn bạn đi chơi, còn tôi ở nhà đọc sách, nghỉ ngơi. Có vài năm vào sinh nhật con, thằng bé đều sẽ tự mình làm các việc như mời bạn, tổ chức, bày biện. Tôi sẽ giúp thằng bé đặt đồ ăn và sau đó rút lui, để các con tự chơi với nhau.
Cá nhân tôi luôn cho rằng cột mốc quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ không phải là một ngày lễ nào đó hay ngày sinh nhật, mà là những giây phút bình dị hàng ngày.
Chẳng hạn, cách đây vài ngày khi đi làm về, tôi phát hiện con trai trốn tránh mình, cũng không hào hứng chào hỏi tôi như mọi ngày, khi hỏi con có chuyện gì tôi mới biết hôm đó điểm môn Ngữ Văn của con không được cao. Vì ở nhà tôi là người kèm con môn này, thằng bé có lẽ có suy nghĩ mình khiến tôi thất vọng. Sau khi nghe con nói câu này, tôi gạt hết mọi việc mình đang làm sang một bên, nói chuyện với con một cách nghiêm túc.
Tôi nói, “Thành tích đúng là khá quan trọng, ở một phương diện nào đó, nó có thể cho thấy cố gắng và sự tập trung của con, nhưng ở nhà mình, tình yêu thương luôn là điều quan trọng nhất, nhìn thấy nhau, cho nhau một cái ôm mới là điều quan trọng nhất. Những thứ đó sẽ không vì con làm không tốt điều gì đó mà biến mất.”
Sau khi nghe tôi nói những lời này, thằng bé chầm chậm lại gần tôi, ghé đầu vào vai tôi.
Đây là khoảnh khắc mà tôi cho là quan trọng, đó là những phút giây chúng ta thể hiện tình yêu thương.
Tôi luôn cảm thấy, chúng ta, những người làm cha mẹ, kinh nghiệm của chúng ta thực ra đều có hạn, bản thân những người lớn chúng ta cũng không phải những người hoàn hảo, chúng ta không cần thiết phải tỏ ra là một người hoàn hảo trước mặt con cái của mình, có lẽ điều mà chúng ta có thể làm chính là trở thành một bản thân chân thực nhất đồng thời thể hiện tình yêu với con một cách rõ ràng và chân thành nhất.
02
Nhẫn nại với con cái một chút
Liệu bạn đã từng gặp tình huống như vậy? Đi làm cả ngày, về nhà thấy con cúi gằm mặt làm bài tập, phản ứng đầu tiên, “Con phải ngồi ngẩng cao đầu lên, ngồi thẳng lên một chút…” Câu nói này có lẽ đã được thốt ra rất nhiều lần, nhưng con vẫn không nhớ.
Khoảnh khắc đó, bạn rất tức giận, nhưng một âm thanh trong đầu bỗng vang lên, “không được, không được tức giận, phải nhẫn nại với con…”
Thực ra, nhẫn nại cũng có mức trần, dùng hết rồi sẽ sinh bệnh. Vậy cho nên, thay vì làm một người lớn nhẫn nại, chúng ta có thể làm một người lớn có phương pháp.
Một khoảng thời gian, con rất không thích đánh răng, cứ tới giờ đi đánh răng, con lại tìm cách “câu giờ”.
Khoảng thời gian đó, tôi đọc được một quan điểm của nhà tâm lý học Alfred W. Adler có tên “Mục đích luận”, nó nói, “Con người vì muốn đạt được một mục đích trước mắt nào đó mà lựa chọn một phương thức hành vi.” Chẳng hạn, một người có thể không phải vì khi còn nhỏ bị thờ ơ mà trở nên hướng nội, mà là vì muốn tránh những xấu hổ trong giao tiếp nên họ lựa chọn hành vi hướng nội. Có thể một người không phải vì tắc đường nên tới trễ mà là vì dù sao tới trễ cũng không vấn đề gì, vì vậy, họ lựa chọn đi trễ. Có thể con trai tôi không phải vì không thích đánh răng nên câu giờ, vì vậy, sau đó, tôi đã “giao hẹn” với con, đánh răng xong trước 10h, con sẽ được xem siêu nhân, đánh răng xong trước 9h30 sẽ được xem một đoạn phim “Hobbit”. Kết quả sau đó, câu hỏi tôi thường đặt ra cho con trai nhất biến thành, “Con đánh răng xong nhanh vậy ư?”, “Con đánh có sạch không?”
03
Nhất định phải tạo mối quan hệ tốt với các thầy cô giáo
Khi mối quan hệ với các thầy cô trở nên tốt hơn, con cái ở trường có thể sẽ được quan tâm, chú ý nhiều hơn. Nhưng cá nhân tôi chưa bao giờ kết bạn với các thầy cô giáo trên các nền tảng mạng xã hội, cũng không có ý định sẽ tạo mối quan hệ tốt với các thầy cô. Bởi lẽ điều tôi quan tâm hơn chính là con liệu có thể tự tạo mối quan hệ tốt với các thầy cô hay không.
Thông thường mỗi tối tôi đều sẽ hỏi con về chuyện trường lớp, con trai sẽ kể cho tôi nghe một vài câu chuyện liên quan tới bạn bè, thầy cô ở trường. Chẳng hạn, cô giáo không chọn con đi vẽ báo tường. Tôi hỏi con vì sao, hỏi con có muốn hay không, phong cách vẽ của các bạn được chọn có gì khác so với con, khi biết mình không được chọn, con cảm thấy thế nào, con có muốn cố gắng thêm để được chọn không…. Đó là những câu hỏi tôi sẽ đặt ra cho con.
Thời gian tôi dành nhiều nhất chính là khiến con hiểu được nguyên nhân vì sao các thầy cô lại làm như vậy, khích lệ con tự đi nói chuyện với thầy cô giáo, điều này tất nhiên sẽ mất nhiều thời gian hơn việc người lớn chúng ta trực tiếp gọi điện thoại cho giáo viên, nhưng tôi luôn cảm thấy, riêng về chuyện này, chậm mới chính là nhanh. Khi con tự rèn được cho mình những bản lĩnh này, vậy thì đó là của chúng. Bởi lẽ tới một độ tuổi nhất định, phụ huynh cần trở thành người đứng phía sau con cái, chúng ta cần ủng hộ con cái, hướng dẫn con, khích lệ con đi đối mặt với cuộc sống của chính mình, thay vì cứ luôn đứng phía trước con, thay con, chỉ huy con. Bởi lẽ sẽ có một ngày, chúng ta cần rút lui khỏi cuộc sống của con.
04
Đừng mang công việc vào cuộc sống
Trước đây tôi luôn cho rằng mình nên như vậy, tuy nhiên, khi thành lập công ty của riêng mình, việc mà bạn phải làm mỗi ngày là giải quyết vấn đề, cứ như vậy, vừa giải quyết công việc, vừa bất an tự trách. Sau này, tôi đã đặt ra một điều chỉnh. Tôi yêu cầu bản thân không mang cảm xúc trong công việc về nhà, nhưng tôi sẽ mang phương pháp làm việc trong công việc về nhà. Và điều này giúp tôi nhẹ nhõm không ít.
Cá nhân tôi cho rằng, gia đình cũng giống như một công ty trách nhiệm hữu hạn “trông con”. Đầu tiên, chúng ta cần phân chia vai trò của các thành viên trong gia đình, sau đó phân công việc cho từng người. Chẳng hạn, hai vợ chồng là đối tác trong việc chăm con, phải tự xem mình là những giám đốc cấp cao, khi có việc gì đó xảy ra, việc đầu tiên là phân công rõ ràng, tuyệt đối không can dự quá nhiều vào việc của nhau. Định kì tổ chức team building, ít nhất một năm cả gia đình sẽ cùng nhau đi chơi một lần để hâm nóng tình cảm. Quan tâm để ý tới “con người” rồi mới quan tâm tới “sự việc”. Đằng sau mỗi một cảm xúc tiêu cực đều là những nhu cầu không được thỏa mãn, trong quá trình giao tiếp, để các thành viên được nói ra nhu cầu của bản thân, tuyệt đối không chỉ trích, có thể nhẹ nhàng thì tuyệt đối không lớn tiếng. Tôi phát hiện ra rằng khi dùng tâm thái đối đãi với khách hàng để đối xử với người thân, họ dễ đối phó hơn các bên B rất nhiều.
05
Phải cố gắng cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp
Quay lại câu hỏi ở đầu bài, trên thực tế, chọn cái nào cũng đều sẽ để lại tiếc nuối.
Có người từng nói, “Cái gọi là cân bằng, không phụ thuộc vào một người, vợ hoặc chồng, mà nó phụ thuộc vào tất cả các thành viên trong gia đình”, bởi lẽ nỗ lực làm việc đem lại cho chúng ta quyền được lựa chọn, còn gia đình lại mang đến cho chúng ta sự ấm áp của cuộc sống.
Nếu bạn hỏi tôi làm sao để cân bằng giữa hai điều này một cách tuyệt đối, tôi phải thừa nhận rằng mình không thể cân bằng. Tôi cũng không cảm thấy mình bắt buộc phải đi cân bằng. Tôi chỉ có thể dùng một phương pháp hiệu quả, kết hợp với việc biết cách buông bỏ một cách hợp lý để tạo ra một sự cân bằng tương đối. Lựa chọn điều mà bạn có thể gánh vác, gánh vác lấy điều mà bạn lựa chọn, vậy là đủ!