Bà Lý Mai Cẩn – một giáo sư, chuyên gia rất nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm học và Tâm lý trẻ em, chuyên gia về tâm lý giáo dục, từng nói: “Cảm xúc của trẻ thường được quyết định bởi thái độ của cha mẹ”.
Vì vậy, với tư cách là cha mẹ, cách bạn đối xử với con khi trẻ cần sự hỗ trợ sẽ quyết định liệu con có yêu bản thân và định vị đúng đắn bản thân hay không. Đây cũng là điều quan trọng để tạo cảm giác an toàn cho trẻ.
Dù thế nào đi chăng nữa, hãy nhớ luôn đồng hành cùng con bạn trong 4 thời điểm quan trọng này:
1. Khi trẻ bị bắt nạt
Xung quanh chúng ta luôn có những bậc cha mẹ như thế này: Họ luôn cảm thấy việc bắt nạt giữa con cái không chỉ là trò đùa, cũng không phải chuyện gì to tát. Phải đến khi con gặp vấn đề, thậm chí là bi kịch, cha mẹ mới bắt đầu ăn năn nhưng đã quá muộn!
Khi con bạn bị bắt nạt, đừng xát thêm muối vào vết thương! Đừng chỉ dựa vào lời nói của người khác mà đổ lỗi cho trẻ. Đầu tiên, hãy lắng nghe lời giải thíchvề những gì đã xảy ra. Nếu tình tiết nghiêm trọng hoặc gây tranh cãi, bạn có thể tìm cách xác minh sự việc, chẳng hạn như xem camera giám sát, tìm kiếm nhân chứng, v.v.
Thứ hai, hãy dành cho trẻ sự đồng cảm và an ủi : “Mẹ biết con bị bắt nạt nên bây giờ con thấy oan ức và khó chịu phải không?”. Sau đó cùng con giải quyết vấn đề.
Hơn nữa, trẻ em phải được dạy cách tự bảo vệ mình sau sự cố. Đừng sợ hãi nếu gặp phải hành vi bắt nạt ở trường, con có thể chống trả, hét to hoặc bỏ chạy để nhờ giúp đỡ. Bằng cách này, trẻ em có thể thực sự được bảo vệ và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ.
2. Khi trẻ mắc lỗi
Một phụ huynh kể: “Có lần khi chúng tôi đang đón con đi học về thì bị một phụ huynh chặn lại. Đối phương tức giận tố cáo con tôi chửi thề, thậm chí còn đánh con mình. Lúc đầu tôi rất sốc và không thể tin được. Tôi hỏi giáo viên về tình huống đó và nhận được câu trả lời tương tự.
Đứa trẻ cúi đầu gật đầu, tỏ vẻ đồng ý. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố gắng kiềm chế cảm xúc và nói với phụ huynh kia: “Tôi xin lỗi, có chuyện gì thì cứ nói với tôi. Nếu cháu có vấn đề gì thì tôi sẽ giáo dục cháu. Nhưng tôi phải nói chuyện với con đã, nếu bé thực sự sai, tôi sẽ cho chị một câu trả lời hợp lý”.
Sau khi về nhà, đứa trẻ rưng rưng nước mắt nói: “Mẹ ơi, con là người đầu tiên đánh bạn nhưng nó mắng con trước, đặt biệt danh cho con. Con không chịu nổi nên lỡ tay, nhưng mà nó cũng dùng cặp đánh con lại. Cô giáo nói ai đánh trước là sai, con biết là sai rồi mẹ!”.
Tôi hiểu rồi! Sau đó, tôi đã nói rõ sự thật với giáo viên và phụ huynh, yêu cầu con tôi xin lỗi phụ huynh kia và rất mạnh mẽ yêu cầu con của phụ huynh kia cũng phải xin lỗi con mình. Sau đó, tôi nhìn thấy nụ cười lại nở trên khuôn mặt đứa trẻ và rất vui vì mình đã làm đúng!”.
Khi một đứa trẻ làm điều gì sai, nếu bạn đứng về phía đối diện, điều đó sẽ khiến trẻ có cảm giác bị “phản bội”. Nhiều trẻ em không muốn giao tiếp quá nhiều với cha mẹ, thường là vì cha mẹ phớt lờ cảm xúc và sự bất bình của chúng trước đó.
Nếu con thực sự có lỗi thì hãy cùng nhau xin lỗi. Nếu con bị đối xử tệ bạc, bạn không được coi đó là chuyện nhỏ! Đừng thiên vị hay thỏa hiệp, hãy cố gắng đứng lên bảo vệ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho con.
3. Khi trẻ bị so sánh
Nếu bạn hỏi trẻ em ghét điều gì nhất thì “bị so sánh với người khác” chắc chắn sẽ đứng đầu danh sách. Cụm từ “con nhà người ta” có lẽ là cơn ác mộng với tất cả trẻ em. Dù biết rằng mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng các bậc làm cha làm mẹ vẫn không dằn được lòng mình mà so sánh con mình. Từ cân nặng, chiều cao cho đến điểm số… cái gì cũng có thể trở thành mục tiêu để các bậc phụ huynh đặt lên bàn cân so sánh.
Nhiều cha mẹ “ngây thơ” nghĩ rằng, so sánh là cách để con nhìn lại bản thân đang yếu kém ở đâu mà phấn đấu. Tuy nhiên, một nhà phân tích tâm lý tội phạm nói rằng việc so sánh giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác không chỉ gây bất lợi cho sức khỏe tinh thần mà nó còn là bóng ma tâm lý đè nặng lên tâm trí trẻ suốt quãng đời còn lại.
Thật vô lý khi so sánh điểm mạnh của con người ta với điểm yếu của con mình. Là cha mẹ, chúng ta phải để con hiểu rằng: Dù người khác có đánh giá thế nào thì con vẫn là duy nhất trong lòng cha mẹ, và cha mẹ sẽ luôn yêu thương con!
4. Khi trẻ bị trêu chọc
Khi trẻ lớn lên, lòng tự trọng của chúng ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhưng trong cuộc sống luôn có những nhân vật hay mỉa mai, châm biếm và thích trêu chọc người khác. Ví dụ, bạn có thể bị chế giễu vì xấu xí, học kém, có khiếm khuyết về thể chất, v.v. Bạn sẽ làm gì với tư cách là cha mẹ?
Chúng ta không thể bảo vệ con mình khỏi mọi điều ác, nhưng có thể dạy chúng cách đối phó với nó. Ví dụ: dừng lại lớn tiếng, nói thẳng với người khác rằng t ôikhông thích hành vi này, nếu không xử lý được thì về nhà nói với người lớn, v.v.
Điều quan trọng nhất là chúng ta cần thông cảm với trẻ và để trẻ thoát khỏi cái bóng bị trêu chọc. Bạn cũng có thể kể về trải nghiệm của bản thân:
“Con yêu, khi còn nhỏ mẹ cũng có biệt danh là gấu trúc khổng lồ. Lúc đó mẹ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí còn có xích mích với bạn học. Nhưng sau này mẹ mới biết gấu trúc khổng lồ là bảo vật quốc gia và mọi người đều thích loài động vật này. Mẹ biết bạn cùng lớp không có ý xấu nên đã chọn cách tha thứ”.
Là cha mẹ, món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể dành cho con mình là tình yêu thương vô điều kiện, đó sẽ là trụ cột và động lực của con trong suốt cuộc đời.