01
Trong một bộ phim truyền hình có tên “Góc khuất”, có một cảnh phim như sau: Sau cuộc họp phụ huynh, giáo viên đã gọi mẹ của Chu Triều Dương, học sinh có thành tích đứng đầu lớp, lại và nói với bà rằng con bà là người sống nội tâm và khó gần, đồng thời mong mẹ Chu sẽ chú ý hơn đến sức khỏe tâm thần của con mình.
Tuy nhiên, mẹ của cậu bé lại tỏ ra khó chịu phản bác lại rằng: “Học sinh thì nên tập trung vào việc học, kết bạn là việc chỉ cần làm sau khi bước vào xã hội mà thôi”. Trong mắt cô, con trai cô là một cỗ máy đạt điểm cao và nhiệm vụ duy nhất của cậu là học tập chăm chỉ.
Không ngờ, dưới kiểu giáo dục chỉ tập trung vào thành tích này, con trai cô cuối cùng lại rơi vào vực thẳm của tội ác và bạo lực.
Qian Liqun, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, từng nói: “Khi cố gắng hết sức để giúp con mình leo lên một tầm cao hơn, chúng ta cũng cần cảnh giác tránh để con trở thành những cá nhân ích kỉ có chỉ số IQ cao”.
Tiêu chuẩn xã hội đánh giá một con người không bao giờ chỉ nằm ở điểm số và thứ hạng. Không một đứa trẻ có khiếm khuyết về mặt tinh thần nào có thể trở thành người chiến thắng trong cuộc sống chỉ nhờ điểm số xuất sắc.
Không biết liệu bạn có biết vụ việc “sinh viên Đại học Thanh Hoa sát hại vợ ở Thung lũng Silicon” từng gây náo loạn hay không? Kẻ sát nhân Chen Liren đã là một sinh viên sáng giá từ khi còn là sinh viên. Năm 2014, anh ta được nhận vào Đại học Thanh Hoa với kết quả xuất sắc.
Sau đó, anh ta nhận bằng thạc sĩ về khoa học máy tính tại Đại học California, San Diego. Nhưng một “con nhà người ta” chuẩn mực như vậy lại liên tục dùng nắm đấm đánh vào đầu vợ tới chết, cho thấy “sự tàn nhẫn, ác độc và thờ ơ ở mức độ cao”.
Trả lời vụ án này, Liu Longzhu, một luật sư hiểu rõ cộng đồng người Hoa ở Mỹ và từng đại diện cho các kỹ sư Trung Quốc từ Google, Facebook, Nvidia và các công ty lớn khác, cho biết: “Mưu sát là mưu sát, tội ác là tội ác, và không có lý do gì là cái cớ để sát hại một con người”.
Anh cũng cho biết trường hợp của Chen Liren không phải là ngoại lệ. Liu Longzhu đã tiếp xúc với nhiều kỹ sư là những cá nhân sở hữu thành tích học tập vô cùng xuất sắc. Trong số đó, có rất nhiều người đạt điểm cao nhất kỳ thi đại học đến từ các tỉnh, thành khác nhau và sự nghiệp của họ cũng rất suôn sẻ. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể trong số họ có hiện tượng “IQ cao và EQ thấp”, hành động rất cực đoan và khả năng quản lý cảm xúc cực kỳ thấp. Có một điều các bậc cha mẹ phải hiểu rằng không phải tất cả sinh viên “hoàn hảo” đáng ghen tị đều là những đứa trẻ ngoan.
Khi điểm số trở thành tiêu chí đánh giá duy nhất thì sự thờ ơ, ích kỷ và ham muốn thành công nhanh chóng chắc chắn sẽ theo sau.
02
Một bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội như sau: Điểm tiếng Anh của con trai cô rất tốt và cậu cũng là lớp trưởng môn Tiếng Anh của lớp.
Một ngày nọ, cậu con trai bất chợt phàn nàn với mẹ: “Thầy giáo lúc nào cũng nhờ con giảng bài cho các bạn trong lớp. Nhưng mà làm vậy sẽ rất lãng phí thời gian học tập của con, chưa kể nếu con dạy, nhỡ điểm số của các bạn vượt qua con thì phải làm sao”.
Nghe cậu con trai nói, trái tim của người mẹ hẫng đi một nhịp. Cô chợt nhận ra rằng có thể có điều gì đó không ổn với cách giáo dục con hàng ngày của mình. Suốt thời gian qua, cô chỉ dạy các con cách trở nên giỏi giang về mặt học tập mà quên dạy chúng cách cư xử.
Nghĩ đến đây, người mẹ đã có một quyết định khá táo bạo – đưa con trai về quê dạy học. Cô để con trai được tận mắt nhìn thấy những ngôi làng nhỏ ở nông thôn và đích thân dạy kèm cho những đứa trẻ có nền tảng tiếng Anh yếu.
Cô nghiêm túc nói với con trai: “Không phải ai cũng có được cuộc sống như con, đủ ăn đủ mặc từ khi sinh ra; ở những nơi xa xôi của đất nước, có biết bao đứa trẻ bằng tuổi con cũng muốn học giỏi tiếng Anh nhưng ở đó không có giáo viên dạy tiếng Anh có chuyên môn.”
Chính trải nghiệm này đã khiến con trai cô bắt đầu có sự thay đổi.
Sau này, khi người mẹ hỏi lại con trai mình lớn lên muốn làm gì, cậu con trai trả lời: “Con muốn học giỏi tiếng Anh và trở thành một nhà ngoại giao. Con cũng mong muốn có thêm nhiều trẻ em ở nông thôn học tốt tiếng Anh và có cơ hội thực hiện ước mơ như con”.
Lúc này, người mẹ vui mừng khôn xiết. Thay vì đạt điểm cao và vào học ở những trường danh tiếng, điều chúng ta nên làm nhiều hơn là nuôi dạy con cái trở thành những người tốt bụng, chân thành và biết quan tâm tới người khác.
Bởi lẽ tài năng chỉ là động cơ, nhân cách mới là tay lái.
Dù điểm số xuất sắc tới mấy, bạn cũng sẽ không được giao những nhiệm vụ quan trọng nếu bạn có nhân cách xấu; dù lý lịch có xuất sắc đến đâu, bạn cũng sẽ không tiến xa nếu không có đạo đức.
Yu Minhong, người sáng lập Tập đoàn Giáo dục New Oriental, từng đề cập trong một bài phát biểu: “Việc giáo dục hành vi cho trẻ cần được tuân theo theo những hành vi, cách nuôi dạy trẻ được xã hội chấp nhận. Vì thế, khi giáo dục hai con, tôi luôn tâm niệm: điểm số không cần phải cao nhất, quan trọng hơn là được bạn bè xung quanh tiếp nhận. Điều này đặc biệt quan trọng.”
Bản thân Yu Minhong luôn tuân thủ quan niệm này.
Thói quen anh hình thành từ khi còn nhỏ là đối xử tốt với người khác. Trong bốn năm đại học, anh quét sàn, lấy nước và giúp các bạn cùng lớp trong ký túc xá giặt quần áo, trông thì có vẻ như anh đang là người chịu thiệt thòi, nhưng 10 năm sau khi tốt nghiệp, khi anh bắt đầu kinh doanh riêng, khi anh chia sẻ với những người bạn cùng ký túc xá, họ đều sẵn lòng giúp đỡ anh.
Lý do rất đơn giản: “Yu Minhong là người tốt, là người không lợi dụng người khác. Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chiu. Không sao cả!” Vì vậy, Yu Minhong đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc trở thành một người được xã hội chấp nhận và là người mà mọi người học hỏi còn quan trọng hơn việc vào một trăm ngôi trường Đại học Bắc Kinh.
03
Trong một thời gian dài, chúng ta luôn lầm tưởng rằng điểm số và thứ hạng là tất cả những gì đánh giá một đứa trẻ.
Thực tế, nếu một đứa trẻ sinh ra là một con người nhưng lại không biết cách cư xử, vậy thì điểm số cao tới mấy thì cũng đã sao? Trình độ học vấn cao tới mấy thì cũng đã sao?
Tác giả Jorah Mikali viết trong cuốn sách “Sức mạnh của sự đồng cảm” rằng: “Không có sự đồng cảm, chúng ta không thể tìm kiếm sự hỗ trợ, động viên, dịu dàng và tình yêu thương từ nhau.”
Là cha mẹ, điều chúng ta nên dạy cho con mình là sự chân thành, đồng cảm với người khác và đứng từ góc nhìn của người khác để nhìn nhận vấn đề.
Nhiều người cho rằng trẻ em ngày nay thờ ơ và ích kỷ, thực chất là do phần lớn chúng lớn lên trong một môi trường quá đầy đủ, thiếu cơ hội để hiểu và giúp đỡ người khác.
Là phụ huynh, chúng ta có thể tạo ra một vài cơ hội để trẻ có thể tận mắt nhìn thấy những thế giới và cuộc sống khác nhau. Hãy nuôi dưỡng sự đồng cảm của trẻ và cho chúng biết cách đặt mình vào vị trí của người khác.
Nếu so sánh trẻ em với một cái cây thì trạng thái tâm lý ổn định và khỏe mạnh chính là cái gốc của chúng. Chỉ khi bộ rễ đã bám chắc, cây mới có thể phát triển mạnh mẽ.
Điểm số ở trường chỉ là một trong những chiếc lá. Những gì chúng ta dạy cho con cái không chỉ là kiến thức, kỹ năng mà quan trọng hơn là một nhân cách trong sáng, một phẩm cách cao thượng và một tấm lòng biết suy nghĩ cho người khác.