Tôi đã gặp các trường hợp tương tự bà cụ P. trong bài “Có những người đẩy bố mẹ già vào viện dưỡng lão , lễ tết đón về ‘trưng”. Trong những lần tới thăm viện dưỡng lão, tôi được nghe nhân viên hoặc chính các cụ kể nhiều chuyện đáng buồn liên quan đến cách đối xử của con cái với đấng sinh thành.
Phải nói rằng hiện nay chất lượng dịch vụ ở nhiều viện dưỡng lão rất ổn, người cao tuổi được chăm sóc tốt về sức khỏe, dinh dưỡng. Nhưng những cơ sở này khó giúp các cụ cảm thấy hạnh phúc, vì yếu tố tinh thần phụ thuộc chủ yếu vào bản thân các cụ, nói đúng hơn là vào hoàn cảnh riêng của từng người và nguyên nhân khiến viện dưỡng lão trở thành nơi họ trú ngụ.
Ngoài một số cụ (chiếm số ít) lựa chọn viện dưỡng lão vì thực sự coi đó là lựa chọn tốt, phần lớn người già xem việc phải sống ở nơi này là cực chẳng đã. Trong đó, không ít cụ vào đây theo mong muốn của con cái, hoặc “tự nguyện” vào chỉ vì biết con không dung nổi mình, nếu cố ở cùng con cháu thì chỉ đau lòng, buồn tủi thêm.
“ Con tôi không đuổi tôi đâu, nhưng suốt ngày than vất vả. Tới bữa tôi làm rơi vãi cơm, nó nhăn mặt lườm rồi thở dài đánh thượt. Cơm khô, tôi không nuốt được, nó vừa mắng vợ không biết nấu vừa nói mẹ không chịu cố gắng, nằm ra đấy lại khổ con khổ cháu. Nó biết tôi quên tắt tivi nhưng lại giả vờ mắng con ăn hại, rồi than thân trách phận phải còng lưng kiếm tiền ”, bà cụ D., sống ở viện dưỡng lão mà tôi thỉnh thoảng có việc ghé thăm, vừa chùi nước mắt vừa kể.
Bà nói, cả con trai và con dâu đều không hề ngạc nhiên khi mẹ tuyên bố sẽ đến khu dưỡng lão cách nhà mấy chục cây số, cứ như họ đã đợi điều đó từ lâu. Sau khi khuyên can một câu lấy lệ, họ nói “ mẹ cứ yên tâm vào sống trong đó với các bạn già cho vui, chúng con sẽ đóng tiền không thiếu một đồng ”.
Có lẽ nhiều người khác cũng giống như con bà cụ D, trong thâm tâm cảm thấy nhẹ nhõm sau khi bỏ ra khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng cho viện dưỡng lão chăm sóc bố hoặc mẹ mình. Những người con khá giả hơn sẵn sàng chi mấy chục triệu đồng cho dịch vụ cao cấp và yên lòng vì mình vẫn hoàn thành nhiệm vụ phụng dưỡng.
Họ không nghĩ đến, hoặc cố tình lờ đi một thực tế rằng, ở nơi người già được “chăm sóc tận răng” ấy, bố mẹ họ vẫn buồn bã và cô độc, vẫn tủi vì không được sống gần người thân, không được vây bọc bởi tình yêu thương của con cháu.
Bà cụ D. tâm sự với tôi về con trai mình: “ Hồi nhỏ thằng bé đáng yêu lắm, thương tôi lắm. Nó đi chơi mỏi chân, tôi cõng nó, nó hỏi mẹ có thấy nặng không, sau này con lớn như bố bây giờ, con sẽ cõng mẹ ”. Vậy mà khi bà già yếu, con bà nhăn mặt khó chịu mỗi lần mẹ đánh rơi mấy hạt cơm.
Có thể những người con đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn tự ru lòng mình đó cũng là cách báo hiếu , vì vào đó cũng tốn kém. Họ quên rằng để nuôi họ nên người, cha mẹ đâu chỉ tốn tiền mà phải bỏ ra bao nhiêu đêm thức trắng chăm con ốm đau, hàng nghìn ngày kiên nhẫn đút cho con từng thìa sữa, thìa cháo…
Những người làm cha làm mẹ cười rạng rỡ khi vừa ăn vội miếng cơm vừa canh con ngồi bô, vui vẻ thu dọn “bãi chiến trường” tung tóe mà con tạo ra khi tập tự xúc ăn, trả lời hàng trăm lần cho câu hỏi ngô nghê của con trẻ… Nhưng khi họ già đi, nhiều người không được con cái dành cho một phần nghìn sự kiên nhẫn đầy yêu thương đó.
Nếu ai đó cho rằng mình bỏ ra số tiền lớn để bố mẹ được ở trong viện dưỡng lão cao cấp đã là hiếu thảo, xin hãy trả lời câu hỏi: Ngày xưa bố mẹ tự tay chăm sóc mình, tại sao mình không thể làm thế với bố mẹ? Xưa, mỗi lần lo, buồn hay sợ hãi, mình luôn được bao bọc, vỗ về trong vòng tay ấm áp yêu thương của bố mẹ, tại sao mình lại để cho bố mẹ già cô độc bên những người xa lạ?
Bạn nghĩ mình đã làm tròn đạo con khi thu xếp cho bố mẹ được hưởng sự chăm sóc tốt nhất trong viện dưỡng lão, như vậy là bạn nhờ đồng tiền báo hiếu thay mình sao?
Nhưng đồng tiền không làm được điều đó, chỉ có tấm lòng của người con mới làm được!
Hãy nhớ lại hồi nhỏ, mỗi lần bạn khóc, bạn buồn hay hoảng sợ, bố mẹ cảm thấy đau lòng, xót xa thế nào, và mỗi lần bạn thích thú, vui vẻ, bố mẹ cảm thấy sung sướng ngập tràn ra sao. Nếu còn nhớ những hình ảnh đó thì đừng nghĩ rằng chỉ cần bố mẹ được ăn no mặc ấm, được khám khi ốm đau là đủ, bạn nhé. Viện dưỡng lão dù tốt thế nào cũng không phải là tổ ấm đâu.