Tôi và em trai đều thiếu tình yêu thương của bố từ khi còn nhỏ, một mình mẹ vất vả nuôi nấng chúng tôi ăn học. Biết điều kiện kinh tế gia đình không được khá giả nên tôi luôn tự nhủ sau này phải cố gắng nhiều hơn người khác để mẹ và em trai có tương lai tốt đẹp hơn.
Khi có công việc ổn định, tôi lo cho em trai học xong rồi mới lấy chồng. Chồng tôi mở cửa hàng kinh doanh, công việc khá ổn nên từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ phải lo lắng về vấn đề tiền bạc. Mỗi tháng, tôi đưa cho em trai 8 triệu để em chăm sóc mẹ, lo ăn uống, quần áo và đau bệnh. Tôi xem đó là cách để báo hiếu, để hoàn thành trách nhiệm của một người con. Mỗi lần gửi tiền về tôi đều thông báo cho chồng biết và anh cũng vui vẻ mà tán thành.
Còn em trai tôi, sau khi tốt nghiệp trung cấp, em về quê sống cùng mẹ và tìm được công việc khá ổn định. Vài năm sau, em cũng lập gia đình. Mức thu nhập của vợ chồng em ở mức bình thường nên khi có con cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học.
Mẹ tôi sống cùng với vợ chồng em trong căn nhà ngày càng chật chội, cũ kỹ. Nhưng với điều kiện kinh tế của các em thì khó có thể xây được nhà. Tôi không muốn mẹ vất vả cả đời vì con cái mà cuối đời phải sống trong cảnh như vậy, nên đã bàn với chồng dùng 1,5 tỷ tiết kiệm của 2 vợ chồng để xây nhà cho em.
Trước lúc xây tôi cũng nói rõ điều hiện với vợ chồng em: “Hai em phải xây cho mẹ một phòng rộng rãi và có chỗ đi vệ sinh đầy đủ. Sau này mẹ về già, nếu có ốm đau đi bệnh viện, tiền viện phí thuốc thang là anh chị sẽ lo, còn hai em phải có trách nhiệm phụng dưỡng chu đáo với mẹ”. Nghe điều kiện của tôi đưa ra, vợ chồng em rất tán thành.
Mảnh đất của bố mẹ ở quê hơn 1000m2, mẹ bảo sẽ chia cho tôi một suất, phần còn lại sẽ để cho vợ chồng em trai xây nhà. Nhưng tôi từ chối và bảo mẹ để lại toàn bộ mảnh đất cho Toàn (tên em trai). Bởi tôi là con gái đã đi lấy chồng, kinh tế lại khá giả, còn em út không được may mắn như anh chị, thế nên chúng tôi phải có trách nhiệm hỗ trợ em ấy.
Thế nhưng, số phận của Toàn thật hẩm hiu, vất vả xây nhà suốt 1 năm, đến ngày sắp được lên nhà mới thì em lại gặp tai nạn và mất ngay tại chỗ. Sự ra đi đột ngột của em trai là mất mát và tổn thất lớn của gia đình chúng tôi. Đó là những ngày đẫm nước mắt. Em dâu khóc ngất lên ngất xuống phải có người đứng dìu bên cạnh. Còn mẹ tôi đau buồn, suy sụp không thiết ăn uống gì. Thương nhất là mấy đứa trẻ, chúng chỉ biết đứng nhìn theo mà chưa hiểu chuyện đau lòng xảy ra.
Tính đến nay, em trai tôi mất được 16 năm, đó vẫn là sự đau thương của gia đình tôi. Thương 2 đứa con của Toàn không còn bố nên tôi đã đứng ra đóng toàn bộ tiền học phí cho các cháu ăn học. Thế nhưng, con gái đầu của Toàn năng lực có hạn nên chỉ học hết cấp 3 là đi làm công nhân. Hiện tại cháu đã lập gia đình. Còn con trai út của Toàn đang là sinh viên năm 3 của một trường danh tiếng trên Hà Nội. Nếu sau này cháu có muốn học lên thạc sĩ tôi vẫn sẵn sàng đầu tư tiếp, miễn sao ra trường cháu có được công việc và cuộc sống tốt hơn.
Khoảng 3 năm trước, mẹ tôi bị tai biến nhẹ. Dù bà không phải nằm liệt giường, nhưng từ đó sức khỏe yếu, tay chân bủn rủn làm gì cũng phải có con cháu giúp đỡ.
Cuối tuần vừa rồi, vợ chồng tôi về quê ăn giỗ bố. Trong lúc ăn cơm, em dâu bất ngờ nói: “Vợ chồng con gái em mới sinh con, bà nội sức khỏe yếu nên không chăm sóc được. Các con muốn em lên chăm sóc cháu cho 2 đứa đi làm. 3 năm nay, em chăm sóc mẹ ốm như thế là được rồi. Bây giờ em phải lo cho gia đình của mình nữa”.
Điều tôi không ngờ nhất là em ấy, lấy lý do chăm cháu ngoại nên không thể tiếp tục chăm sóc mẹ và có ý muốn gửi bà vào viện dưỡng lão. Ngập ngừng một lúc em cho rằng mẹ vào viện dưỡng lão sẽ tốt hơn.
Nghe đến đây tôi không thể bình tĩnh được nữa nên đứng dậy nói luôn: “Từ trước đến nay chị cho vợ chồng em không thiếu thứ gì. Vậy mà lúc mẹ cần em nhất thì em lại bỏ đi chăm sóc cháu. Nếu em đi cũng được, nhưng hãy trả lại toàn bộ tiền xây nhà cho vợ chồng chị”. Nghe tôi nói xong em dâu khóc lóc và nói lời xin lỗi. Em hứa sẽ không đi chăm sóc cháu nữa, mà ở lại chăm sóc mẹ già để báo đáp công ơn của chúng tôi. Dù em nói vậy nhưng mấy hôm nay tôi vẫn lo lắng, bởi em không tự nguyên phụng dưỡng mẹ chồng, tôi sợ em ấy lại không chăm sóc chu đáo bà những năm cuối đời.