Thế giới của trẻ nhỏ phần lớn được xây dựng bởi cha mẹ. Một câu nói của cha mẹ có thể trở thành động lực thúc đẩy con cái, nhưng ngược lại cũng có thể gây ra những tổn thương vô hình. Kyoko Kawamura, một người mẹ Nhật Bảm nuôi dạy thành công 3 người con tài giỏi, đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình về cách giao tiếp với con cái.
Bà nhấn mạnh rằng, có 3 câu nói mà cha mẹ tuyệt đối không nên nói với con, vì nó không chỉ kìm hãm sự tò mò, lòng ham học hỏi của trẻ mà còn có thể phá hủy động lực học tập, làm thui chột tài năng và thiên phú của con.
Tạp chí Nhật Bản 《FRIDAY DIGITAL》 đã đăng tải bài viết của Kyoko Kawamura với tựa đề “3 câu nói sẽ hủy hoại tài năng của con”. Được biết, bà mẹ này là một người có học thức, tốt nghiệp khoa Giáo dục tại Đại học Tokyo và có 3 người con đều là những học sinh giỏi.
Con trai cả của bà học tại Đại học Tokyo, con trai thứ 2 hai lần liên tiếp vào vòng chung kết cuộc thi Olympic Toán học và sau đó đỗ vào Đại học Kyoto, còn con gái út thì học tại Đại học London.
Trong những chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con, bà Kyoko Kawamura nhấn mạnh tầm quan trọng của lời nói của cha mẹ đối với sự phát triển của trẻ. Bà khuyên các bậc phụ huynh nên cẩn trọng trong giao tiếp với con, đặc biệt là tránh 3 câu nói sau:
1. “Không được/Không”
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ thường sử dụng những câu nói mang ý nghĩa phủ định hoặc ngăn cản hành động của con, chẳng hạn như “Đừng chạm vào cái đó“, “Không được làm như vậy” hay “Làm như thế là không đúng“. Tuy nhiên, việc lặp đi lặp lại những câu nói này sẽ khiến trẻ cảm thấy “mình làm gì cũng không được“.
Thay vì nói thẳng “Không!”, cha mẹ nên giải thích rõ ràng lý do, ví dụ: “Con yêu, nếu con dùng tay bẩn ăn bánh thì sẽ ăn phải vi khuẩn, điều đó không tốt đâu”. Việc bắt đầu câu nói bằng “Con yêu” hoặc “Con ngoan” sẽ giúp trẻ cảm thấy gần gũi và giảm bớt áp lực.
2. “Nhanh lên”
Người lớn thường có nhịp sống nhanh, đặc biệt là vào buổi sáng khi chuẩn bị đi học. Khi thấy con làm việc chậm chạp, cha mẹ thường vội vàng thúc giục “Nhanh lên, nhanh lên!“. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy mình là một người chậm chạp.
Thay vì liên tục thúc giục, cha mẹ có thể biến việc chuẩn bị thành một trò chơi hoặc đặt ra một phần thưởng nhỏ để khuyến khích con làm việc nhanh hơn.
Ví dụ: “Chúng ta hãy xem ai là người đánh răng xong trước nhé” hoặc “Nếu con ăn sáng xong trước 8 giờ, mẹ sẽ kể cho con một câu chuyện“.
3. “Tại sao con không thể…”
Câu hỏi này nghe có vẻ như đang tìm kiếm câu trả lời, nhưng thực chất nó lại mang ý nghĩa trách móc và phủ nhận khả năng của con. Thay vì chỉ trích, cha mẹ nên gợi ý cho con cách giải quyết vấn đề.
Ví dụ, thay vì hỏi “Tại sao con không thể dọn phòng?“, cha mẹ có thể nói: “Con yêu, nếu con xếp các đồ chơi vào hộp, phòng sẽ trở nên gọn gàng hơn đấy. Mẹ sẽ giúp con“. Điều này giúp trẻ hiểu rõ những việc cần làm và cảm thấy được hỗ trợ.
Bà Kyoko Kawamura thừa nhận rằng, bà cũng từng mắc phải những lỗi lầm khi nói chuyện với con. Tuy nhiên, bà luôn cố gắng nhắc nhở bản thân tránh những câu nói trên. Bà tin rằng, việc làm như vậy không chỉ giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn giúp trẻ phát triển tự tin và tài năng của mình.
Qua bài viết này, chúng ta có thể thấy rằng cách cha mẹ giao tiếp với con cái đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Bằng cách lựa chọn những lời nói tích cực và tránh những câu nói tiêu cực, cha mẹ có thể giúp con mình trở thành những người tự tin, năng động và thành công trong cuộc sống.