Gần đây, cô Trần (Trung Quốc) rất lo lắng về vấn đề học tập của con trai. Tiểu Quân năm nay 6 tuổi, vừa vào lớp 1. Cô giáo thường xuyên nhắn tin cho cô Trần, phản ánh Tiểu Quân không chú ý nghe giảng trên lớp, thường xuyên mất tập trung, lúc thì ngó nghiêng xung quanh, lúc thì nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ.
Dù đôi mắt Tiểu Quân nhìn vào bảng nhưng tâm trí cậu để nơi khác. Do không tập trung học nên bài tập của cậu mắc rất nhiều lỗi sai.
Cô Trần rất lo lắng, mới lớp 1 mà con đã có dấu hiệu không thích học, vậy lên các lớp lớn hơn thì sẽ như thế nào?
Để giải quyết vấn đề con không tập trung khi học, cô Trần đã thử nhiều cách như giải thích cho con hiểu tầm quan trọng của việc học, nhưng những nỗ lực này dường như không có hiệu quả.
Tình huống của Tiểu Quân không phải là hiếm gặp, đây là biểu hiện điển hình của việc trẻ thiếu tập trung.
Mọi người thường nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, thông qua việc quan sát ánh mắt của trẻ, cha mẹ có thể hiểu được nội tâm bên trong chúng.
Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) từng chia sẻ rằng, thông qua việc quan sát ánh mắt của trẻ em, người lớn có thể phán đoán được liệu trẻ có yêu thích việc học không mà không chờ đến khi chúng lớn lên.
Nhận biết khả năng tập trung thông qua ánh mắt của trẻ
– Ánh mắt lơ đãng
Nếu trẻ khi học bài luôn nhìn lung tung, ánh mắt không thể tập trung vào một điểm, điều này cho thấy suy nghĩ của trẻ đang liên tục nhảy nhót. Lúc thì nghĩ đến tối nay ăn gì, lúc thì nghĩ đến làm xong bài tập sẽ chơi game gì. Dù trẻ có vẻ như đang suy nghĩ nhưng thực tế hiệu quả học tập rất thấp.
– Ánh mắt đột ngột thay đổi
Một số trẻ khi đang tập trung làm việc gì đó, bỗng nghe thấy tiếng động bên ngoài, ví dụ như tiếng chim hót, lập tức chuyển sự chú ý sang đó, ánh mắt trở nên sáng lên. Điều này cho thấy trẻ rất dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài, không thể tập trung trong thời gian dài.
– Ánh mắt đờ đẫn
Khi trẻ gặp phải bài toán khó, có thể cứ nhìn chằm chằm vào bài toán mà không chớp mắt, ánh mắt trở nên đờ đẫn. Lúc này, dù có vẻ như trẻ vẫn đang học, nhưng thực tế đã không thể theo kịp tốc độ của giáo viên, tư duy bị mắc kẹt ở một điểm nào đó, khó có thể tiếp tục học,
Qua 3 dấu hiệu trên, cha mẹ có thể phán đoán sơ bộ xem con mình có khả năng tập trung tốt khi học hay không. Nếu trẻ thường xuyên có biểu hiện như vậy, cha mẹ cần giúp con mình cải thiện khả năng tập trung.
Cha mẹ nên làm thế nào để rèn luyện khả năng tập trung cho con?
Rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ không phải là điều có thể làm được ngay lập tức, cha mẹ cần phải hướng dẫn trẻ thông qua một số phương pháp cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
– Đảm bảo giấc ngủ và vận động đầy đủ
Khi não bộ cảm thấy mệt mỏi, tự nhiên khả năng tập trung sẽ giảm sút. Vì vậy, việc đảm bảo trẻ có giấc ngủ đủ và chất lượng vô cùng quan trọng. Giấc ngủ ngon giúp trẻ duy trì tinh thần tốt, từ đó nâng cao khả năng tập trung.
Bên cạnh đó, vận động phù hợp cũng giúp thư giãn tinh thần, tăng cường sức khỏe và phần nào đó cải thiện khả năng tập trung. Cha mẹ có thể sắp xếp cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục đơn giản hàng ngày như nhảy dây, đạp xe, đánh cầu lông,… Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ vui vẻ mà còn giúp trẻ tập trung hơn.
– Tạo môi trường học tập không bị xao nhãng
Một môi trường yên tĩnh, ngăn nắp rất quan trọng để trẻ tập trung. Cha mẹ có thể sắp xếp lại phòng, giữ cho đồ đạc gọn gàng để tạo ra một không gian học tập tốt cho trẻ. Một môi trường gọn gàng giúp trẻ tập trung hơn, nâng cao hiệu quả học tập.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tránh để các thiết bị điện tử làm xao nhãng khi trẻ đang học. Làm gương cho con là cách tốt nhất để trẻ có thể tập trung vào việc học.
– Rèn luyện khả năng tập trung qua trò chơi
Đối với trẻ từ 3-6 tuổi, chơi là hoạt động chính. Cha mẹ có thể thiết kế những trò chơi thú vị để giúp trẻ tăng cường khả năng tập trung. Ví dụ như các trò chơi như lặp lại dãy số, xếp hình, nói ngược lại, tìm điểm khác biệt,… là những phương pháp rất hiệu quả.
Cha mẹ cũng có thể tự tạo ra các trò chơi nhỏ từ những tình huống trong cuộc sống hàng ngày để giúp trẻ tập trung tự nhiên hơn. Qua những trò chơi này, trẻ không chỉ thư giãn mà còn tăng cường mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.