Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô nàng đã chia sẻ về câu chuyện có phần đáng buồn của gia đình mình. Chuyện là dù vợ chồng cô đã sống tách riêng với gia đình nhà chồng, độc lập tài chính nhưng vẫn trăn trở vì bố mẹ chồng… tiêu quá hoang phí.
Bố mẹ chồng tiêu hơn 4 tỷ trong 5 năm nhưng vẫn tiếp tục hoang phí
Cụ thể: Không kể chồng, thì gia đình chồng còn 4 người là ba mẹ chồng, em gái chồng ngoài 30 tuổi, người dì. Từ trước đến nay, bốn thành viên không đi làm mà chỉ sống dựa vào tiền cho thuê mặt bằng phía trước nhà.
Từ 5 năm trước, ba mẹ chồng vay ngân hàng một khoản 200 triệu. Sau đó, ông bà tiếp tục vay tiền từ ngân hàng để vừa trang trải tiền sinh hoạt, vừa xoay vòng vốn trả nợ. Tuy nhiên, dù mang nợ nhưng ông bà tiêu xài cực kỳ hoang phí, không có ý định tiết kiệm hoặc để dành tiền phòng thân. Bất chấp việc tiền ông bà dùng chủ yếu là vay nợ từ ngân hàng chứ không phải tiền tự kiếm được. Thấy tình cảnh này, vợ chồng cô nàng đã nhiều lần khuyên giải bố mẹ nhưng không thành công.
Gần đây, ông bà phải bán nhà để trả món nợ thế chấp ở ngân hàng là 4,5 tỷ. Điều này cũng đồng nghĩa chỉ trong 5 năm, ông bà đã tiêu xài hơn 4 tỷ.
Hiện, số tiền bán nhà chỉ còn hơn 3 tỷ, cả nhà 4 người đều không có nguồn thu nhập. Thế nhưng, bố mẹ chồng vẫn tiếp tục vung tiền phung phí, chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại hoặc cho thấy sẽ sống tiết kiệm hơn. Bên cạnh đó, ông bà còn thuê lại căn nhà bản thân vừa bán với giá 20 triệu/tháng.
Khi được con cái đề xuất nên dùng 3 tỷ để gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng, hoặc mua căn chung cư nhỏ để tích luỹ tài sản thay vì dùng đến 20 triệu/tháng để thuê lại nhà cũ thì ông bà từ chối. Bởi ông bà cho hay, họ không quen ở nhà nhỏ. Đồng thời, họ đã ở nhà này trên 50 năm nên không muốn rời đi.
Chứng kiến cha mẹ xài tiền phung phí, cô nàng nhờ cộng đồng mạng tư vấn: “Vài năm nữa, nếu trường hợp xấu nhất, ông bà không còn nhà cửa, không có tiền tiết kiệm, không có lương hưu mà mình từ chối phụng dưỡng thì có bất hiếu lắm không ạ?
Chứ giờ nhìn ông bà xài tiền mà không nghĩ đến tương lai, không nghĩ đến con cháu mình bức xúc lắm ạ. Mình đã cảnh báo chồng rất nhiều lần rồi vì mình cũng sợ tương lai chồng mình là con trai trưởng, gia đình có gì thì mình anh gánh vác và đừng liên lụy mình. Mình suy nghĩ như vậy thì có ích kỷ không ạ?”.
Trong phần bình luận bài đăng, nhiều người bày tỏ sự thông cảm với câu chuyện mà cô nàng gặp phải. Số đông ý kiến cho rằng, tốt nhất lúc này là nhờ chồng khuyên bố mẹ, tuy nhiên cách này cũng chưa chắc thành công bởi ông bà tuổi tác đã cao, khó nghe theo lời nói của con cái.
Một số ý kiến bên dưới bài đăng:
– Tuổi đấy rồi chắc chắn con cái nói không nghe đâu. Nên bạn tự tính toán an toàn cho mình là khôn ngoan nhất rồi. Ngoài ra, bạn nên tích luỹ thêm tiền bạc phòng thân là chuẩn nhất.
– Bạn và chồng khuyên em chồng bạn trước, phân tích cho bạn đó hiểu: Sau 10 năm, chỉ riêng tiền thuê nhà đã 2,4 tỷ. Chi phí sinh hoạt ăn uống 4 người là ít nhất 20 triệu/tháng thì mất thêm 2 tỷ. Liệu với 3 tỷ hiện có, họ có trụ được đến 10 năm sau không?
10 năm sau, em chồng bạn đã 40 tuổi, thu nhập không cao thì chỉ có nước ra đường sống. Hai vợ chồng phải cho em ấy thấy việc chi tiêu hiện tại của cha mẹ ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của bạn. Sau đó, bạn để chính em chồng khuyên ông bà thay đổi thôi.
Sau đó, bạn phân tích cho ông bà, đó là bây giờ nên để con gái đi làm. Em đang ở trong độ tuổi lao động mà không cho đi làm, đến lúc ông bà tiêu hết tiền, tài sản không còn thì con gái sống sao? Cứ coi như em ấy đi lấy chồng, mà em không kiếm được tiền thì cũng bị nhà chồng coi thường.
– Mình đồng cảm với chị vợ. Nếu là mình thì mình chắc cũng mông lung lắm. Nhà người ta thì ông bà bố mẹ lo cho con cháu. Còn nhà mình thì ông bà tiêu như đại gia.
– Vay tiền ông bà mua đất đi chị. Chồng chị không bỏ được ba mẹ chồng đâu. Trước sau gì ông bà có gặp vấn đề gì thì chồng chị lo, nên giờ chị dành lấy phòng thân 1 khoản cho trường hợp sau này. Vì chắc chắn là ông bà hết tiền rồi thì chồng chị phải nuôi thôi. Lúc này chị không chịu được thì có tiền trong tay nên cứ thế mà đi chỗ khác cho khoẻ người.
– Hay là chị nói chuyện với chồng, giả vờ nợ nần xong mượn ông bà số tiền 3 tỷ kia để tiết kiệm hộ ông bà, Chứ ông bà tiêu như này kiểu gì sau này cũng phiền đến gia đình chị. Lúc đó mà chị nói “giá như” cũng muộn rồi. Ngoài ra, anh chị giả nghèo giả khổ thì ông bà cũng biết đường dần dần tiết kiệm chi tiêu lại.
– Tiền cũng của ông bà. Ông bà muốn muốn sử dụng như thế nào là quyền của họ. Mình lo chu toàn cho chồng và con là được chị ạ. Chị kệ đi coi như không biết, không hay gì cho nhẹ cái thân. Khi nào ông bà đụng vào tiền của mình thì mình lên tiếng.
Còn về còn vấn đề phụng dưỡng thì chị xem cách ông bà đối xử với mình như nào thì về già ông bà nhận lại như vậy thôi. Ai cũng phải trả giá cho hành động của mình chị ạ.
Còn bạn, bạn thấy sao về câu chuyện của cô nàng này?