Nhận đền bù đất 3 tỷ đồng, tôi viết di chúc để lại toàn bộ cho con gái nhưng con trai chẳng dám trách nửa lời

Bài viết của tác giả Trần Kim trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)

Sai lầm khi đối xử không công bằng với con

‏Sau khi chồng qua đời, tôi cảm thấy vô cùng cô đơn vì các con đều sống xa nhà, hiếm khi về quê. Tôi quyết định khăn gói hành lý lên thành phố ở với con trai.‏

Vợ chồng tôi có 2 người con nhưng vốn yêu quý và có phần ưu ái con trai hơn. Sau khi con trai kết hôn, chúng tôi hỗ trợ tiền mua nhà, mua xe và cả một phần chi phí sinh hoạt cho các cháu. Vậy nên tôi luôn nghĩ con trai phải có trách nhiệm báo hiếu, chăm sóc mẹ khi về già.

Thế nhưng khi đến nhà của con trai, tâm trạng của tôi lại rất phức tạp. Con không muốn tôi ở cùng, lấy lý do nhà nhỏ, 2 vợ chồng và các cháu ở đã có phần chật hẹp nên đề nghị tôi sang sống cùng con gái trước 1 năm. Con trai đề xuất 2 chị em sẽ thay nhau chu cấp và chăm sóc mẹ. ‏

Con gái tôi ban đầu lưỡng lự, vốn dĩ mối quan hệ mẹ con có phần xa cách sau khi con lấy chồng xa. Nhưng khi dọn đồ đến nhà con gái, con vẫn chăm sóc tôi tận tình, các cháu ngoan ngoãn nên tôi sống thoải mái suốt 1 năm tại đây. Tôi có phần áy náy vì trước đây không quan tâm nhiều đến con gái nên bày tỏ ý định góp lương hưu để lo sinh hoạt phí nhưng con rể từ chối với lý do: “Chúng con đủ khả năng lo cho mẹ”.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

‏Tuy vậy sau 1 năm tôi vẫn nóng lòng rời đi vì lo phiền toái các con. Vậy mà khi gọi điện cho con trai, thái độ của con khiến tôi ngậm ngùi cay đắng. Con viện lý do, quanh co từ chối: “Mẹ đã ở quen nhà chị gái thì ở đó luôn không mất công chuyển qua chuyển lại. Nhà chúng con nhỏ, hai vợ chồng bận rộn không có người chăm sóc mẹ”.‏

‏Con trai cúp máy luôn không đợi tôi nói thêm gì. Con gái ở bên cạnh nghe những lời này mà chỉ biết thở dài. Tôi lặng lẽ định thu dọn đồ đạc định về quê, dù sao cũng không còn mặt mũi nhìn con gái. Lúc này tôi chỉ ước bản thân trước kia đối xử tốt và công bằng hơn với con, thay vì ưu ái quá nhiều cho con trai.

Thế nhưng con gái vẫn giữ tôi ở lại vì không muốn tôi sống một mình cô đơn, tuổi già bệnh tật không ai chăm sóc. Lúc này tôi mới thấy cuộc sống của mình vẫn còn chút may mắn, dù con trai vô tâm nhưng con gái lại hiếu thảo.

 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Quyết định bất ngờ trong di chúc

‏Gần 7 năm ở nhà con gái, tôi luôn được con cháu quan tâm và yêu thương. Trong khi con trai chỉ đến thăm tôi nhiều nhất mỗi năm 1-2 lần với thái độ thờ ơ, gạt đi lời hứa sẽ cùng chị gái thay phiên chăm sóc mẹ. Thế nhưng một sự việc bất ngờ xảy đến khiến con trai đột ngột thay đổi thái độ.

Đó là khi chúng tôi nhận tin khu đất và ngôi nhà cũ dưới quê nằm trong diện giải tỏa, được đền bù 900.000 NDT (3,1 tỷ đồng). Nhận thấy tuổi tác bản thân đã cao, tôi định nhân dịp này viết di chúc, chia cho con gái phần hơn, con trai chỉ nhận phần nhỏ. Nhưng cách con trai ngay lập tức tìm đến, ngỏ ý đón tôi về ở cùng khiến tôi ngỡ ngàng.

Nghe tôi nói vẫn sẽ tiếp tục ở nhà con gái, con trai mới nói thẳng: “Nếu mẹ muốn ở nhà chị gái con cũng không ý kiến, dù sao con đã cố thuyết phục mẹ về để hoàn thành trách nhiệm phụng dưỡng của con. Nhưng để công bằng thì tiền đền bù đất phải chia cho hai chị em bằng nhau”.

Con gái giận dữ, cho rằng đây mới là lý do thực sự em trai tìm đến đây, hỏi ngược lại: “Nếu muốn phụng dưỡng mẹ tuổi già sao em không nói sớm, đến khi có tiền đền bù đất mới ngỏ lời?”.

 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Lúc này thấy con trai không trả lời, tôi cũng cương quyết nói ra dự định viết di chúc của mình. Tôi sẽ để lại toàn bộ tiền đền bù cho con gái vì đó là phần con xứng đáng được nhận sau nhiều năm tận tụy chăm mẹ. Con trai sẽ chỉ nhận được phần tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Con trai và con dâu không dám phản đối, dù sao chúng cũng biết bản thân đã thờ ơ với tôi suốt nhiều năm qua nên chỉ có thể ngậm ngùi ra về mà chẳng thể đòi hỏi thêm. ‏

‏Nếu quay ngược thời gian, tôi nhất định sẽ đối xử với các con công bằng hơn và không đặt kỳ vọng quá nhiều vào một người con. Như vậy con trai sẽ không dựa dẫm vào cha mẹ để rồi sống thiếu trách nhiệm, con gái cũng không chịu bất công suốt nhiều năm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *