Mới đây, câu chuyện của một người phụ nữ ẩn danh (tạm gọi là N.) trong nhóm “Vén khéo” khiến CĐM “đau đầu” vì không biết giải quyết sao cho vẹn cả đôi đường.
Theo đó, chị N. khuyên các cô gái chưa chồng nhất định phải nâng cao bản thân chọn chồng có điều kiện kinh tế hoặc một người có chí tiến thủ. Trước đây, chị cũng từng nghĩ, lấy chồng giàu là thực dụng nhưng sau này khi bước vào hôn nhân, chị mới thấy đúng. Đó là điều thực tế, chứ không phải thực dụng như nhiều người vẫn đánh giá.
Vợ làm việc “bở hơi tai”, trong khi chồng vô lo, vô nghĩ
Chị N. tâm sự, gia đình chồng chị làm nông nghiệp, chỉ đủ ăn, không dư giả. Nếu bố mẹ chồng ốm đau bệnh tật thì cần sự hỗ trợ từ con cái. Chồng chị có mức lương 10 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca sẽ được khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Tan làm, chồng sẽ về nhà phụ vợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Anh là người không chơi game, không tụ tập bạn bè. Còn chị N. là nhân viên văn phòng, vừa làm thêm nên có thu nhập khá hơn – 25 triệu đồng/tháng.
Hiện 2 vợ chồng chị N. vẫn ở nhà thuê, mỗi tháng chi tiên còn được hơn 15 triệu đồng. Chị N. đi làm về rồi nấu cơm, xong kèm các con học bài tới 10h tối, chồng chị không phụ giúp việc này vì trước đây học kém.
Tranh thủ lúc con ngủ, chị sẽ nhận sổ sách về nhà làm thêm. Chị mệt mỏi cho biết, không hôm nào chị được đi ngủ trước 12h đêm. Chị chỉ mong có được giấc ngủ 8 tiếng/ngày như mọi người.
Sau nhiều năm tích cóp, 2 vợ chồng chị N. mua được mảnh đất ngoại ô với tiết kiệm gần 400 triệu đồng. Chị ngỏ ý với chồng đi vay mượn thêm để xây nhà nhưng bị gạt đi. Chồng chị lo lắng vì gia đình bên nội không có điều kiện kinh tế, khó xoay sở được.
Chị N. buồn rầu: “Mình chán lắm vì bao năm vun vén, chồng thì an phận, không cố gắng. Đôi khi mình ước được lấy lại chồng cho đỡ vất vả. Phụ nữ vừa chăm sóc con vừa gánh vác gia đình thì nên độc thân có lẽ tốt hơn. Chồng mình thấy mình làm ra tiền nên khá ỷ lại. Mình bảo tập trung kiếm thêm cũng mặc kệ”.
Trước câu chuyện của chị N., CĐM chia thành 2 phe, người đồng cảm với chị, người lại cho rằng chị đang quá cầu toàn. Nếu nhìn theo hướng tích cực, chồng chị N. tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng chăm chỉ, hiền lành, không vướng vào tệ nạn cờ bạc. Dù đồng lương ít ỏi nhưng anh có trách nhiệm đưa cho vợ để nuôi con.
Còn phe ngược lại cho rằng, đàn ông phải là trụ cột trong gia đình, lo gánh vác kinh tế, không thể để vợ vất vả bươn trải. Phụ nữ lấy kiểu đàn ông này sẽ khổ cả đởi bởi việc gì cũng đến tay, từ chăm sóc con cái đến gánh vác kinh tế. Con càng lớn, chi phí học tập và sinh hoạt sẽ càng cao, áp lực càng nhiều.
Thiết nghĩ, câu chuyện trên không có đúng hay sai, chỉ là quan điểm, chí hướng của 2 vợ chồng khác nhau. Nếu trước đây, chị N. chọn một người chồng cầu tiến sẽ không chịu cảnh vất vả. Còn anh chồng ở bên một cô vợ biết đủ, không có quá nhiều nhu cầu vật chất sẽ thoải mái, hạnh phúc hơn.
Phía dưới bài viết, nhiều người để lại góp ý dành cho chị N. như sau:
– Đó gần như là quy luật của cuộc sống, vợ chồng thường bù trừ cho nhau. Thực tếm phụ nữ vun vén là khổ rồi nhưng cứ nghĩ thoáng ra. Chồng mình vẫn hơn nhiều đàn ông khác vì không vướng vào tệ nạn. Bạn cũng nên có khoản riêng cho mình để đề phòng bất trắc.
– Bạn làm được 25 triệu đồng thì giờ báo là chỉ được 10 triệu đồng thôi, bóp hết các khoản chi tiêu lại. Cứ than vãn với chồng để chồng bớt ỷ lại.
– Số phận thôi, nghĩ vậy cho đỡ buồn bạn ạ!
Nguồn: Group “Vén khéo”