Năm 1990, nữ bác sỹ Chu Hiểu Quyên ở Trùng Khánh (Trung Quốc) kết hôn với một sỹ quan quân đội và một năm sau đó, cô sinh cậu con trai xinh xắn, tên ở nhà là Pan Pan. Khi thời gian nghỉ thai sản kết thúc, Hiểu Quyên và chồng quyết định thuê bảo mẫu để phụ chăm con những lúc cô đi làm.
Thông qua một trung tâm môi giới, Hiểu Quyên tìm được cô gái trẻ tên là Lạc Xuân Cư, quê huyện Trung Tiên, Trùng Khánh. Ban đầu, người mẹ trẻ hơi lo lắng vì bảo mẫu có vẻ ít tuổi, sợ rằng cô không có kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sau vài ngày ở nhà quan sát, Hiểu Quyên cảm thấy mình vô cùng may mắn vì đã tìm được Lạc Xuân Cư. Cô bảo mẫu này không chỉ chăm trẻ tốt mà còn phụ giúp được việc nhà, nấu ăn cho cả gia đình.
Sau khoảng 1 tuần, chồng của Hiểu Quyên đi công tác. Người mẹ lúc này cũng bận rộn với công việc ở bệnh viện nên giao phó con mình cho bảo mẫu. Đó là cái ngày định mệnh mà cậu con trai nhỏ của họ đã biến mất cùng Lạc Xuân Cư.
Vợ chồng Hiểu Quyên như phát điên vì lo sợ. Họ báo cảnh sát và lần tìm theo địa chỉ mà Lạc Xuân Cư khai báo trong chứng minh thư, nhưng hóa ra tất cả thông tin đều là giả mạo.Thời điểm đó, việc tìm kiếm trẻ bị bắt cóc vô cùng khó khăn. Trong suốt 3 năm, bắt đầu từ mùa hè năm 1992, vợ chồng Hiểu Quyên lao vào công cuộc tìm kiếm, lần theo mọi manh mối để có thể cứu Pan Pan bé nhỏ.
Đến năm 1995, sau khi đổ ra rất nhiều công sức và tiền của để tìm con, vợ chồng Hiểu Quyên cảm thấy tuyệt vọng thì những manh mối đầu tiên về con xuất hiện. Khi gặp đứa bé, bằng linh cảm của người mẹ, Hiểu Quyên cảm thấy đây không phải là con mình. Ngược lại, chồng cô lại cho rằng đây chính là Pan Pan bé nhỏ của họ. Cuối cùng, cả hai quyết định đi xét nghiệm ADN. Sau nửa tháng, họ khóc òa lên trong sung sướng vì kết quả xác nhận quan hệ huyết thống.
Sau 3 năm đau buồn, gia đình họ lại được đoàn tụ bên nhau. Hiểu Quyên sau đó sinh thêm một bé trai nữa. Do ám ảnh chuyện cũ, cô chọn hy sinh sự nghiệp để ở nhà chăm con vì không muốn giao con cho người lạ thêm một lần nữa.
Nhưng cuộc sống hôn nhân của Hiểu Quyên không thực sự hạnh phúc. Hai vợ chồng liên tục xảy ra mâu thuẫn, cãi vã và cuối cùng quyết định ly hôn. Hiểu Quyên nhận nuôi cả hai đứa trẻ. Với sự dạy dỗ, chăm sóc của Hiểu Quyên, hai con đều học rất giỏi và thành đạt. Người con lớn sau khi tốt nghiệp đại học đã trở thành một chuyên gia tài chính thành công; còn cậu con trai út làm kinh doanh và có thu nhập rất cao.
Bước sang nửa cuối cuộc đời, Hiểu Quyên nghĩ rằng mình đã tìm thấy được sự bình yên bên hai cậu con trai ngoan ngoãn. Nhưng bà đã nhầm…
Tháng 1/1998, một cơ quan truyền thông ở Trùng Khánh nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ tự xưng là Hà Tiểu Bình, kể rằng 26 năm trước, khi làm bảo mẫu cho một gia đình ở Trùng Khánh, bà đã đánh cắp đứa trẻ. Đến bây giờ, khi xem các chương trình tìm kiếm người thân trên truyền hình, bà đau lòng và nhận ra mình đã sai lầm nên ngỏ ý nhờ chương trình kết nối, giúp trả lại đứa trẻ năm nào.
Người phụ nữ tên Hà Tiểu Bình này chính là Lạc Xuân Cư, bảo mẫu của gia đình Hiểu Quyên trước đây.
Nhà của Hà Tiểu Bình ở Nam Sung, Tứ Xuyên. Năm 1992, trước khi đến nhà Hiểu Quyên làm bảo mẫu, Tiểu Bình đã kết hôn ở quê và sinh liên tiếp hai cậu con trai, không may là đứa trẻ thứ hai qua đời. Sợ bị bố mẹ chồng trách mắng nên Hà Tiểu Bình dùng chứng minh thư giả đến làm bảo mẫu ở Trùng Khánh và tìm cơ hội đánh cắp con trai của Hiểu Quyên.
Sau khi Pan Pan về sống cùng, chồng Tiểu Bình luôn ghét bỏ đứa trẻ vì lo sợ vợ mình sẽ phải vào tù vì tội bắt cóc. Từ một cậu bé được gia đình cưng chiều, Pan Pan tội nghiệp sống trong sự ghét bỏ của bố mẹ nuôi, không được dạy dỗ và chăm sóc tử tế.
Ngày nhỏ, cậu bé thường xuyên đánh lộn, hút thuốc và trốn học. Sau này lớn lên, Pan Pan chỉ học hết cấp 2, không có công việc ổn định. Nhà nghèo, không có tương lai, Pan Pan bị bạn gái từ hôn vì anh không có tiền làm đám cưới. Cú sốc đầu đời khiến chàng thanh niên trầm cảm nặng.
Nhìn thấy Pan Pan lớn lên lông bông, không nghề nghiệp, lại thêm mắc chứng trầm cảm, Hà Tiểu Bình cảm thấy anh như một gánh nặng. Vì thế, bà ta nảy ra ý định trả con về cho mẹ đẻ. Do thời gian tố tụng đối với tội phạm chỉ là 20 năm nên Tiểu Bình không cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu trả lại con.
Thông tin đến tai Hiểu Quyên khiến bà suy sụp. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy Pan Pan quả đúng là con ruột của bà. Còn kết quả xét nghiệm của đứa con mà bà nuôi bấy lâu nay hóa ra bị sai, hai người hoàn toàn không có quan hệ huyết thống.
Vào tháng 2/2018, dưới sự sắp xếp của cảnh sát, Hiểu Quyên cuối cùng đã gặp được đứa con trai sau 26 năm xa cách. Bà bật khóc đau khổ khi nhìn thấy Pan Pan mặc bộ quần áo tồi tàn, dáng vẻ tiều tụy. Cậu thanh niên mới 27 tuổi nhưng khuôn mặt đã già nua, khắc khổ.
Sau khi hai mẹ con đoàn tụ, Chu Hiểu Quyên nắm chặt tay con trai, dẫn Pan Pan đi mua quần áo mới rồi đưa con về nhà ăn tối. Mặc dù đây chính là tình mẫu tử mà Pan Pan hằng khát khao kể từ khi biết mình chỉ là con nuôi, nhưng cả hai mẹ con đều hiểu rằng có những điều không thể lấy lại được, đó là tuổi thơ và cả sự giáo dục mà đáng lẽ Pan Pan phải được hưởng.
Dù đã nhận lại Pan Pan, bà Hiểu Quyên vẫn yêu thương cậu con trai nhận nhầm như con ruột của mình. Pan Pan sau khi về nhà cảm thấy mình được đối xử như một vị khách nên không cảm thấy thoải mái. Anh rời đi và chỉ thỉnh thoảng mới liên lạc với mẹ ruột. Dù Hà Tiểu Bình không thực sự tốt nhưng với Pan Pan, đây mới chính là người mà anh đã gần gũi trong suốt 26 năm đầu đời.