Mẹ chồng vừa mất, chồng tôi đã gọi các em về họp gia đình để đuổi chị dâu đi, ngờ đâu lại phát sinh một việc chấn động

Bố mẹ chồng tôi sinh được 3 người con trai và 2 người con gái. Các anh chị em lần lượt tên là: Thân, Nguyên, Lộc, Hiền, Hậu. Chồng tôi là Nguyên, con thứ 2.

Anh Thân là trưởng, qua đời từ hơn 10 năm trước do tai nạn nghề nghiệp. Chị dâu cả tên Uyên vẫn tiếp tục ở nhà chồng vừa chăm sóc bố mẹ chồng, vừa chăm lo cho 2 đứa con của anh chị. Chị Uyên không đi bước nữa nên cả đại gia đình thống nhất vẫn để chị ở lại căn nhà từ đường – nơi bố mẹ chồng tôi đang sinh sống.

Vợ chồng tôi thì sống ở cách nhà bố mẹ 2km. Vợ chồng chú Lộc ở thành phố, còn 2 em Hiền và Hậu thì lấy chồng khác huyện, khoảng cách không quá xa nhưng cũng ít khi về thăm nom bố mẹ.

Cuộc sống vốn khá yên bình và đoàn kết, cho đến khi bố chồng tôi đột quỵ qua đời cuối năm ngoái. Mẹ chồng đau buồn nên ốm bệnh liên miên, nằm trên giường bệnh 6 tháng thì cũng mất.

Tang lễ của mẹ xong thì cả nhà nảy sinh mâu thuẫn và quyết định họp mặt buổi tối để phân chia tài sản.

Bố mẹ chồng tôi có của ăn của để. Căn nhà từ đường ông bà sinh sống rộng hơn 100m2, thuộc kiểu nhà cổ bằng gỗ. Sân vườn 300m2 nữa, nên tổng diện tích mảnh đất là hơn 400m2, rất vuông vắn đẹp đẽ. Giờ lại chỉ có mình chị dâu cả sinh sống. Bởi lẽ 2 con của chị – 1 trai 1 gái – đã lớn, đều đi học đại học trên thành phố.

Còn 360m2 đất vườn của bố mẹ chồng thì nằm ngay sát đường lớn, tương lai rất khả quan.

Chồng tôi nói rằng chị dâu dù sao cũng là người khác họ nên giờ bố mẹ mất, chị không được ở nhà từ đường nữa. Mọi người sẽ chia cho chị 100m2 đất mảnh vườn và giúp chị dựng một căn nhà tạm cho chị sống ở đó.

Vợ chồng tôi sẽ chuyển về nhà từ đường ở để thờ cúng tổ tiên vì việc thờ phụng này là việc của đàn ông trong họ, không phải việc của đàn bà.

Trong việc này, tôi không dám ý kiến, vì chồng tôi đã quyết là sẽ cố làm bằng được.

Vợ chồng em Lộc, em Hiền nghe vậy thì đồng tình. Chỉ có em Hậu phản đối. Em Hậu nói chị dâu đã lấy anh Thân thì cũng là người trong họ, không phải người ngoài. Cháu Đạt – con trai anh chị – là cháu trai trưởng họ có quyền thừa kế.

Nhưng em Lộc nói chắc gì cháu Đạt đã về, biết đâu học trên thành phố rồi ở lại đó lập nghiệp luôn thì sao?

Mẹ chồng vừa mất, chồng tôi đã gọi các em về họp gia đình để đuổi chị dâu đi, ngờ đâu lại phát sinh một việc chấn động- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tất cả mọi người tranh luận nhau, ồn ào, chỉ có chị dâu cả cúi đầu im lặng, nước mắt rơi lã chã. Em Hậu liền bảo chị lên tiếng, nếu có uất ức hay mong muốn như thế nào thì cứ nói ra.

Chị dâu nói bản thân là nữ, lại là người nơi khác về làm dâu, không dám mơ tưởng tài sản nhà chồng nên tùy các em quyết định.

Đúng lúc này thì cháu Đạt về. Có vẻ cháu vừa tan học thì lên xe khách về thẳng nhà luôn nên 9h tối đã có mặt tại nhà.

Cháu chào hỏi các cô các chú sau đó vào phòng ngủ của mình lấy ra một tập giấy tờ. Cháu nói rằng trước lúc mất, bà nội có giao lại cho cháu tập giấy tờ này. Bà bảo nếu sau khi ông bà mất, cả nhà vẫn bình yên đoàn kết thì cứ cất giữ. Còn nếu có tranh chấp, thì cháu phải lấy ra để các chú các cô biết nguyện vọng của ông bà. Tất cả mọi người đều chấn động vì không ngờ bố mẹ để lại di chúc.

Chồng tôi liền mở ra xem và trợn mắt vì bản di chúc do chính tay bố chồng tôi viết lúc còn khỏe mạnh, bên dưới có cả chữ ký của cả ông và bà, cùng 2 người hàng xóm làm chứng.

Trong di chúc, bố mẹ chồng tôi tuyên bố để lại toàn bộ căn nhà từ đường cho cháu Đạt, là cháu trai trưởng đích tôn của ông bà. Nếu chị dâu cả không đi bước nữa thì vẫn tiếp tục ở lại căn nhà này, thay cháu Đạt thờ cúng ông bà trong những năm tháng cháu vắng nhà. Sau này cháu Đạt ở lại thành phố hay ở quê tùy thuộc nguyện vọng của cháu, căn nhà vẫn đứng tên cháu Đạt và có thể truyền thừa kế cho con trai trưởng của cháu Đạt.

360m2 đất vườn kia thì chia ra, chồng tôi và em Lộc mỗi người được 100m2, em Hiền và em Hậu mỗi người được 50m2, còn 60m2 là cho cháu Hằng – con gái của vợ chồng chị dâu.

Bố chồng còn nhấn mạnh trong di chúc là ai cũng có phần, ít nhiều gì cũng nên vui vẻ đón nhận vì đây là tấm lòng của bố mẹ. Giả sử bố mẹ nghèo khó không có, thì các con cũng phải chịu thôi.

Tôi thấy bố mẹ chồng chia tài sản thừa kế như thế là hợp lý nhưng chồng tôi có vẻ không đồng ý. Song trước bản di chúc giấy trắng mực đen, anh không thể làm gì khác đành phải đưa lại cho cháu Đạt và bảo tôi ra về.

Tôi chỉ mong cả đại gia đình lại yêu thương đoàn kết như khi bố mẹ chồng còn sống, song tôi luôn có cảm giác sẽ không bao giờ được như xưa nữa. Chẳng lẽ đất đai tiền bạc làm con người ta đánh mất hết giá trị đạo đức?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *