Năm 2019, một người đàn ông họ Trương (77 tuổi) ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang qua đời, để lại một bản di chúc khiến những người trong gia đình phải đưa nhau ra tòa. Cho đến hiện tại, bản di chúc vẫn được mang ra bàn tán về lý và tình phía sau câu chuyện tranh chấp tài sản đó.
Vợ của ông Trương đã qua đời từ năm 1995. Sau 10 năm sống một mình, đến năm 2005, ông Trương quyết định thuê bà Hàn về làm người chăm sóc và giúp việc nhà. Ở bên nhau lâu ngày nảy sinh tình cảm, hai người đăng kí kết hôn với nhau vào năm 2014.
Tuy nhiên, đến năm 2019, ông Trương qua đời. Khi nỗi buồn chưa kịp nguôi ngoai, bà Hàn bị các con riêng của chồng với vợ trước yêu cầu phải dọn ra khỏi nhà. Lúc này, bà Hàn mới bàng hoàng nhận ra, sau gần 10 năm bà ở bên chăm sóc, ông Trương lại lập di chúc để lại tài sản và cả căn nhà cho các con và không để lại cho bà thứ gì cả.
Bà Hàn ngay lập tức phản đối việc này một cách mạnh mẽ và nhất định không chịu chuyển đi. Hạnh động này khiến các con cái của ông Trương đâm đơn kiện bà Hàn ra tòa.
Năm 2021, Tòa án nhân dân quận Giang Bắc của thành phố Ninh Ba đã tiến hành xét xử vụ án. Theo phán quyết của tòa án, tuy bà Hàn không có quyền sở hữu căn nhà, nhưng bà đã sống trong căn nhà này với tư cách vợ/chồng với ông Trương kể từ khi đăng kí kết hôn. Khi một bên vợ hoặc chồng qua đời và người kia không còn nơi nào khác để ở, thì quyền cư trú phát sinh từ hôn nhân sẽ không bị mất đi.
Cũng theo luật dân sự, căn nhà này ban đầu không phải do các con của ông Trương mua mà được sở hữu theo hình thức thừa kế. Vì vậy, khi các con của Trương thừa kế ngôi nhà, họ phải tôn trọng hiện trạng quyền và lợi ích cư trú của bà Hàn, việc thực hiện quyền đối với tài sản không được làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp bà.
Hơn nữa, sau khi cha qua đời, việc các con của ông Trương yêu cầu bà Hàn – người không có bất động sản, không nơi nương tựa – phải dọn ra ngoài sống là không tuân thủ các nguyên tắc trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục của Bộ luật Dân sự.
Ngoài ra, trong Bộ luật Dân sự của Trung Quốc, dù là mẹ kế hay cha dượng, nếu đã hoàn thành trách nhiệm nuôi dạy con riêng thì con riêng đều có nghĩa vụ cấp dưỡng cho mẹ kế hoặc cha dượng. Nếu giữa cha mẹ kế và con riêng không có quan hệ nuôi dưỡng thì con riêng không có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ kế. Bà Hàn đã sống tại gia đình ông Trương gần 10 năm, không chỉ chăm sóc chồng mà còn cả các con của ông nên họ có nhiệm vụ phải cấp dưỡng cho bà Hàn, kể cả khi ông Trương qua đời.
Phán quyết cuối cùng của tòa án đã khiến bà Hàn bật khóc. Những tưởng phải rời khỏi căn nhà đã sống nhiều năm với hai bàn tay trắng, giờ đây bà sẽ có thể tiếp tục ở lại và nhận được sự bảo trợ của pháp luật. Sẽ không còn ai có quyền đuổi bà Hàn ra khỏi ngôi nhà này trong tương lai.
Theo: Sohu